Sơ khởi

rss
Posted by binhlq - Tuesday, August 10, 2021 7:11:15 AM
Admin
Member for: 3 years 4 months 16 days

Sơ lược

Giáp cốt văn chỉ hệ thống chữ viết tương đối hoàn chỉnh, được phát triển và sử dụng vào cuối đời Thương (thế kỷ 14-11 TCN), dùng để ghi chép lại nội dung chiêm bốc của Hoàng thất lên trên yếm rùa hoặc xương thú. Sau khi lật đổ nhà Thương, nhà Chu vẫn tiếp tục sử dụng thể chữ này. Cho đến nay, đây được xem là thể chữ cổ xưa nhất và là nguồn gốc hình thành chữ Hán hiện đại.[1]

Giáp cốt văn có nghĩa là chữ viết (văn) được khắc trên yếm rùa (giáp) và xương thú (cốt). Giáp cốt văn được phát hiện tại khu vực làng Tiểu Đốn, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Xác định niên đại cách đây khoảng 3000 năm, được chia làm hai loại là giáp văn và cốt văn. Giáp văn được khắc trên yếm của rùa, một số ít được khắc trên mai, cốt văn được khắc trên xương trâu.

Năm Quang Tự thứ 24 triều nhà Thanh (năm 1898), một số nông dân phát hiện ra những mảnh xương thú khắc văn tự, nhưng tưởng là "long cốt" có thể chữa bệnh nên đã bán cho các hiệu thuốc. Nhà kim thạch học Vương Ý Vinh (王懿荣) và học trò là Triệu Quân (赵军) vô tình phát hiện ra trên những "long cốt" đó là một loại văn tự cổ. Qua khảo sát phát hiện ra nơi có "long cốt" chính là kinh đô cũ của nhà Ân, tức Ân Khư (殷墟). Ban đầu các học giả không hề biết điều này, bởi vì các nhà buôn cố ý nói dối nơi tìm được "long cốt".[2]

Hiện tại người ta khai quật được khoảng hơn 15 vạn mảnh xương như thế, có khoảng hơn 5.000 chữ, đã đọc được khoảng 1.500 chữ. Trung Quốc đã treo thưởng 15.000 USD cho bất kỳ 1 chữ nào được giải nghĩa (ví dụ nếu ai giải nghĩa được 10 chữ thì sẽ được thưởng 150.000 USD).

Chữ giáp cốt sử dụng các phương pháp tượng hình, chỉ sự, hội ý để cấu tạo chữ. Về mặt dụng tự pháp ta cũng bắt gặp phương pháp giả tá. Nội dung giáp cốt văn chủ yếu nói về thiên văn, khí tượng, địa lý, tôn giáo... phục vụ nhu cầu tâm linh của vua chúa quý tộc. Vì thế mà giáp cốt văn còn được gọi là chiêm bốc văn tự, chiêm bốc nghĩa là bói toán.[3]

Tên gọi

Ngoài tên gọi phổ biến là "giáp cốt văn", nó còn được gọi bằng nhiều tên khác:[4]

  • "Khế văn" 契文, "Ân khế"殷契 xuất phát từ việc dùng dao để khắc nét.
  • “Giáp cốt bốc từ" 甲骨卜辞, "Trinh bốc văn tự” 贞卜文字 xuất phát từ nội dung ghi chép là về việc chiêm bốc
  • "Quy giáp thú cốt văn'龟甲兽骨文, "Quy giáp văn tự" 龟甲文字, "Quy bản văn" 龟版文 xuất phát từ vật liệu ghi chép là yếm rùa và xương thú.

Ngày 25-12-1921, nhà sử học Trung Quốc Lục Mậu Đức 陆懋德 ở Bắc Kinh phát biểu trong "Thần Báo Phụ Khan" bài " Sự phát hiện và giá trị của Giáp cốt văn" lần đầu sử dụng tên gọi Giáp cốt văn. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục sử dụng tên gọi này, và dần dần trở nên phổ biến trong giới nghiên cứu và nhân dân.[4]

Đặc điểm của Giáp cốt văn

Xét về mặt số lượng cũng như kết cấu chữ, giáp cốt văn đã phát triển thành hệ thống chữ viết tương đối hoàn chỉnh, đã có sự thể hiện cách cấu thành chữ theo lối "lục thư" chữ Hán, tuy nhiên chữ vẫn chưa thoát khỏi những hình vẽ nguyên thủy.[5]

Về mặt cấu tạo, một số chữ tương hình mang tính khắc họa đặc trưng của vật thực, chưa thống nhất về số nét, cách viết, bố cục chữ.

Các chữ tượng ý của giáp cốt văn chỉ yêu cầu sự tổ hợp của các thành phần để tạo nên hàm ý của chữ, chưa chú ý sắp xếp. Do đó, chữ dị thể của giáp cốt văn rất nhiều, có chữ có hơn 10 cách viết.

Vì chữ giáp cốt chú trọng miêu tả vật thật, do đó kích thước chữ không thống nhất. Chữ dài, ngắn khác nhau, một số chữ có thể to bằng vài chữ.

Cách tạo chữ bao gồm tượng hình, tượng sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tá,... mang dáng dấp của cách tạo chữ "lục thư" chữ Hán, cho thấy sự thành thục và mức phát triển cao của loại chữ viết này. Cách khắc chữ dù chưa thống nhất, nhưng cũng có tính thống nhất nhất định. Chữ hoặc được khắc từ trên xuống, hoặc từ dưới lên, từ trái qua, từ phải lại, thường nét ngang trước nét dọc. Do khắc bằng dao, nên các nét mảnh và thẳng. Lại do vật liệu (xương cứng, mềm), dụng cụ (dao cùn, bén) mà nét chữ  khắc lên thô mảnh không đồng nhất. Độ dài ngắn nét không nhất định. Có chữ ngoằn ngoèo, bắt chéo, lại có chữ phân bố tầng lớp một cách trang trọng, thể hiện sự sáng tạo phong phú và cảm hứng thẫm mỹ của người xưa.[6][7]

Mặc dù vậy, giáp cốt văn vẫn giữ được sự đối xứng và bố cục tương đối ổn định. Do đó có người cho rằng thư pháp Trung Quốc bắt đầu từ chữ giáp cốt, vì nó đã mang 3 đặc tính của thư pháp: dụng bút, kết tự, chương pháp.[8]

Một số ví dụ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Admin
    Member for: 3 years 4 months 16 days
    #1 by binhlq Tuesday, August 10, 2021 7:46:44 AM

    Giáp Cốt Văn một lần nữa "làm rung động" thế giới

    Một mảnh xương thú có khắc chữ đã làm rung động thế giới. Hơn 100 năm trước, học giả đời nhà Thanh Vương Ý Vinh phát hiện những đường nét chạm khắc trên một loài thảo dược có tên là "Long Cốt". Qua khảo chứng, chuyên gia cho rằng những ký hiệu thần bí này là Giáp Cốt Văn—văn tự thời kỳ Thượng Cổ, từ đó đã khiến niên đại Trung Quốc có văn bản ghi chép đã sớm hơn 1.000 năm.

    Sau hơn 100 năm, Giáp Cốt Văn được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới, một lần nữa "làm rung động" thế giới.

    giapcotvan1

    Những năm qua, Trung Quốc lần lượt triển khai các dự án như thống kê tất cả các mai rùa, xương thú có khắc chữ được sưu tầm trong và ngoài nước, biên soạn cuốn sách "Tập hợp Giáp Cốt Văn 3", xây dựng kho dữ liệu ký tự Giáp Cốt Văn, v.v. Hơn 100 nghìn mảnh mai rùa, xương thú phát hiện ở Ân Khư đã hoặc đang được chỉnh lý công phu, Giáp Cốt Văn phát hiện ở Ân Khư đang bước vào thời kỳ chỉnh lý và nghiên cứu toàn diện.

    Thành viên Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử Tiên Tần Trung Quốc Tống Trấn Hào nói: "Công tác chỉnh lý, nghiên cứu Giáp Cốt Văn hiện nay là toàn diện, tỉ mỉ, tiến cùng thời đại, đặt công tác bảo vệ lên vị trí hàng đầu, không bỏ sót bất cứ mảnh nhỏ nào".

    Tính đến nay, Trung Quốc đã cơ bản nắm rõ tất cả các mai rùa và xương thú có khắc chữ được sưu tầm trong và ngoài nước, cũng như tình hình bảo tồn của chúng, cả thảy có khoảng 160 nghìn mai rùa, xương thú có khắc chữ, có hơn 4.300 ký tự, đã giải mã hơn 1.600 ký tự.

    Giáp Cốt Văn phát hiện ở Ân Khư được khắc trên mai rùa và xương thú là văn bản ghi lại việc bói toán và sự việc của hoàng thất và quý tộc cuối đời nhà Thương, là di sản văn hóa ký ức lịch sử độc đáo của Trung Quốc. Sau hơn 100 năm phát hiện, mai rùa và xương thú có khắc chữ lưu lạc trên khắp nơi thế giới, nhà nghiên cứu khó mà tiếp xúc với hiện vật Giáp Cốt Văn. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, nhà nghiên cứu Giáp Cốt Văn nổi tiếng Hồ Hậu Tuyên đã chủ trì biên soạn cuốn "Tập hợp Giáp Cốt Văn", dẫn dắt nghiên cứu lịch sử nhà Thương đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện bộ môn nghiên cứu Giáp Cốt Văn. Nhưng, trong cuốn sách này chỉ thu thập được 41.956 mảnh mai rùa và xương thú, cuốn "Bổ sung tập hợp Giáp Cốt Văn" đã bổ sung thêm 13.450 mảnh mai rùa và xương thú, số lượng mảnh mai rùa và xương thú bị bỏ sót vẫn rất đáng kể.

    Năm 2009, cuốn "Tập hợp Giáp Cốt Văn 3"—dự án trọng điểm được hỗ trợ bởi Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc khởi động, sau hơn 7 năm nỗ lực, Phòng nghiên cứu lịch sử Tiên Tần Viện Sử học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã bổ sung khoảng 30 nghìn mảnh mai rùa, xương thú bị bỏ sót trong hai cuốn sách trước đó.

    Hiện nay, Viện Sử học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cùng những cơ quan sưu tầm Giáp Cốt Văn như Thư viện Quốc gia, Viện Bảo tàng Cố Cung, Viện Bảo tàng Sơn Đông, v.v. hỗ trợ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ, đang lần lượt triển khai chỉnh lý và nghiên cứu triệt để hơn 70.000 mảnh mai rùa và xương thú được chia thành 3 đợt.

    Viện Sử học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc còn hợp tác với nhiều cơ quan và nhà sưu tầm, chụp, dập và chỉnh lý hơn 10.000 mảnh mai rùa và xương thú, ngoài ra còn thu thập và công bố một đợt bản dập vừa phát hiện trong dân gian.

    Ngoài ra, cùng với dự án "Giải mã, nghiên cứu ký tự Giáp Cốt Văn được hỗ trợ bởi dữ liệu lớn và điện toán đám mây", dự án được ủy thác quan trọng của Quỹ Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc chính thức được triển khai, Trung Quốc còn sẽ xây dựng kho dữ liệu toàn văn Giáp Cốt Văn. Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Giáp Cốt Văn và Văn hóa nhà Thương Quách Húc Đông cho biết, hiện đại hóa phương pháp và biện pháp nghiên cứu Giáp Cốt Văn sẽ thu được nhiều đột phá hơn. 

    Đầu mùa đông không phải là thời gian tốt nhất du ngoạn ở miền Bắc Trung Quốc, nhưng thôn Tiểu Đồn ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam lại đón chào mùa đông khách. Thoạt nhìn, thôn Tiểu Đồn chẳng khác gì các thôn làng khác. Nhưng, đó là nơi khai quật Giáp Cốt Văn sớm nhất, di tích Ân Khư nằm ở thôn Tiểu Đồn 10 năm trước đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, được bảo tồn một cách khoa học và hiệu quả. Năm 2018 là năm kỷ niệm 90 năm ngày khảo cổ di tích Ân Khư.

    Ở nội thành An Dương cách thôn Tiểu Đồn không xa có một viện bảo tàng cấp quốc gia với chữ viết là chủ đề. Trong phòng học Giáp Cốt Văn ở tầng hai Viện Bảo tàng Văn tự Trung Quốc này, những trẻ em đang viết chữ trên giấy cứng một cách nghiêm túc. Viết từng chữ một từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn, Tiểu Triện, Lệ Thư và Khải Thư, đường nét non nớt đã thể hiện lịch trình diễn biến của văn tự Trung Quốc.

    Trong 4 văn tự cổ nổi tiếng thế giới, Giáp Cốt Văn của Trung Quốc cùng chữ tượng hình Ai Cập cổ viết trên giấy cói, chữ viết hình nêm Babylon khắc trên bảng đất sét cũng như chữ viết Maya của người Indian khắc trên đá đều từng tỏa sáng rực rỡ trong kho tàng văn minh thế giới.

    Ông Quách Húc Đông nói: "Điều đáng tiếc là, 3 loại chữ viết khác đều bị thất truyền, trở thành bí ẩn lịch sử không thể nào giải mã được, chỉ có Giáp Cốt Văn trải qua 3.000 năm, kế thừa từ đời này đến đời khác và diễn biến thành chữ Hán ngày nay". 

    Ngày 28/10/2016, một "thông báo treo thưởng" đăng trên báo đã thu hút sự chú ý của mọi người: Giải mã mỗi ký tự Giáp Cốt Văn chưa giải thích và được ủy ban chuyên gia giám định thông qua, sẽ được tặng thưởng 100 nghìn Nhân dân tệ.

    Tuy việc hiện đại hóa phương pháp và biện pháp nghiên cứu Giáp Cốt Văn đã thực hiện nhiều đột phá, nhưng trong các ký tự Giáp Cốt Văn chưa giải mã, quá trình giải mã mỗi ký tự đều sẽ là một "trận đánh công kiên". Trong lịch sử nghiên cứu Giáp Cốt Văn hơn 100 năm, tuy vài ba lần xuất hiện những "phương pháp mới" giải mã toàn bộ ký tự Giáp Cốt Văn gây chấn động, nhưng sau khi gây chấn động, lại chưa thúc đẩy thực sự công tác giải mã ký tự đi lên phía trước.

    Có người nói, Giáp Cốt Văn đời nhà Thương là một bách khoa toàn thư phản ánh xã hội hồi đó. Cũng có chuyên gia cho rằng, Giáp Cốt Văn là sách báo và hồ sơ có niên đại sớm nhất thế giới. Nhưng xét từ tình hình hiện nay, sự đọc và hiểu biết bách khoa toàn thư này còn chưa đi vào chiều sâu và toàn diện.

    Hàng trăm năm qua, để giải mã gen văn hóa Trung Hoa, học giả nhiều thế hệ nghiên cứu và viết sách không ngừng, họ hoặc thu thập các mảnh mai rùa và xương thú để thống kê, hoặc giải mã các ký tự, hoặc nghiên cứu bí ẩn xã hội thời cổ đại được chứa trong Giáp Cốt Văn, nhịp bước giải mã Giáp Cốt Văn chưa bao giờ dừng lại. Tuy nhiên, thiếu nhân tài kế thừa là khó khăn và vấn đề nan giải đặt ra cho công tác nghiên cứu Giáp Cốt Văn trong thời gian dài.

    Ông Quách Húc Đông cho biết, người ta đều nói thông báo tặng khoản tiền thưởng là thông báo treo thưởng, theo ông thực ra là thông báo chiêu mộ tài năng. Những năm qua, công tác nghiên cứu Giáp Cốt Văn từng một dạo có tiến triển chậm chạp, đặc biệt là công tác giải mã ký tự.

    Ông Quách Húc Đông cho biết, Giáp Cốt Văn có cách viết không cố định, một ký tự có nhiều cách viết, trường hợp nhiều nhất có mười mấy cách viết. Cộng thêm các ký tự biểu ý thời kỳ đầu Giáp Cốt Văn không có quy luật, những ký tự dễ giải thích đã được những người thế hệ trước giải mã, các ký tự còn lại đều rất khó giải mã. Điều đáng mừng là công tác nghiên cứu Giáp Cốt Văn vốn ít người lưu ý hiện đã thoát khỏi tình trạng này, thông báo chiêu mộ tài năng đã thu được hiệu quả nổi bật, hiện nay những giải mã đợt đầu đã bước vào giai đoạn sàng lọc.

Displaying 1 to 1 of 1 messages