Nguồn gốc và địa bàn sinh sống của Tộc Việt

rss
Posted by binhlq - Wednesday, August 4, 2021 4:37:47 PM
Admin
Member for: 3 years 4 months 3 days

Nguồn gốc và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt theo truyền thuyết như sau :

HỌ HỒNG BÀNG.

Cứ theo tục truyền thì vua Ðế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ ) gặp nàng Vụ Tiên, lấy nhau, sinh ra người con tên là Lộc Tục. Sau Ðế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Ðế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con trai. Lạc long Quân bảo bà Âu Cơ rằng : “Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi Thần Tiên, ăn ở lâu với nhau không được, nay được trăm đứa con thì nàng đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải.Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.”

Qua câu truyện truyền thuyết về nguồn gốc và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt thì :

1- Nơi phát tích dòng Bách Việt là Ðộng Ðình Hồ thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay. Ðộng Ðình Quân làm vua ở Ðộng Đình Hồ thuộc giống Rồng.

2- Kinh Dương Vương là con của nàng Vụ Tiên lấy con gái của Ðộng Ðình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc long Quân. Lạc Long Quân là con của Long Nữ thuộc giống Rồng và là cháu của Vụ Tiên thuộc giống Tiên. Dân Việt Nam là hậu duệ của Lạc Long Quân nên tự nhận là “Con Rồng Cháu Tiên”.

3- Kinh Dương Vương làm vua nước ta trước tiên với quốc hiệu là Xích Quỷ thuộc họ Hồng Bàng. Chúng ta thuộc dòng Việt tộc ngành Lạc, nên gọi là Lạc Việt. Vì thế chúng ta tự nhận là “Con Hồng Cháu Lạc” để nhớ gốc tích giống nòi.

4- Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra trăm người con. Hai Ông Bà chia con với nhau, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Ðó là mấu chốt của truyền thuyết. Nó nói lên việc dòng Bách Việt chia nhau chiếm lĩnh địa bàn sinh sống từ trên núi xuống biển khắp cả lục địa nước Tàu xuống tận vùng Ðông Nam Á và các Hải đảo.

5- Trước khi chia đất, phân tán các con đi các nơi thì cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ truyền ngôi cho con cả làm vua đất Văn Lang. Ðó là vua Hùng Vương của chi Lạc Việt. Chúng ta hãnh diện là hậu duệ của vua Hùng là ngành cả của dòng Bách Việt. Ðó là truyền thuyết nói về việc phát tích và địa bàn sinh sống của dòng Bách Việt và được chia ra nhiều chi nhánh như Cửu Lê, Bách Bộc, Lạc Việt, U Việt, Mân Việt, Âu Việt, Nam Việt v,v…

6- Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương phía bắc giáp Động Đình Hồ, tây giáp Ba Thục, nam giáp Hồ Tôn, đông giáp biển Đông. Khi Lạc Long Quân nối ngôi thì cũng thừa hưởng giang sơn Xích Quỷ của Kinh Dương Vương. Lạc Long Quân về thủy phủ truyền ngôi cho con là Hùng Vương làm vua thì Hùng Vương cũng hưởng quyền cai trị nước Xích Quỷ. Hùng Vương đổi tên nước là Văn Lang và dĩ nhiên bờ cõi nước Văn Lang cũng to lớn như nước Xích Quỷ, nghĩa là cả một dãy đất rộng lớn từ mạn nam sông Dương Tử đổ xuống phía nam đến Chiêm Thành đều thuộc đất Văn Lang.

Riêng về mặt khảo cổ thì các nhà chủng tộc học, các nhà khảo cổ tiền sử và ngôn ngữ tỷ hiệu đã liệt dân Bách Việt trong đó có Việt Nam vào chủng Mã Lai :

1- Cách nay khoảng 10.000 năm, chi Nam Á (Austro-Asian), họ từ đâu tới không biết, tràn vào lục địa nước Tàu ngày nay, vùng Ðông Nam Á và các hải đảo, đó là thời kỳ văn hoá Hòa Bình, Bắc Sơn, thuộc ngành ngôn ngữ Nam Ðại Dương tức Mã Lai đa đảo.

2- Khoảng 3,4 ngàn năm sau, một chi Mã Lai khác tới sau. Họ thuộc ngành ngôn ngữ Nam Ðảo (Austronesian).

3- Khoảng 2 ngàn năm sau nữa, một chi khác là Tạng Miến (Thái) tới, họ tràn vào Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Ðông, Vùng núi Bắc Việt.

Xét về mặt địa lý, dòng tộc Mã Lai (Bách Việt) đã có mặt ở khắp nước Tàu, vùng Ðông Nam Á, Ấn Ðộ, các hải đảo Thái Bình Dương đến Madagascar (Mã Ðảo, Phi Châu), vượt Thái Bình Dương vào Mỹ châu, đó là người Maya, Inca, Da Ðỏ…

DÒNG GIỐNG HOA TỘC VÀ CUỘC XÂM CHIẾM ÐẤT VIỆT LẦN 1.

Cách nay khoảng 5000 năm, có một bộ tộc từ vùng sa mạc tây bắc tràn vào miền tây bắc nước Tàu, sinh sống ở vùng Thiểm Tây và Sơn Tây, đó là chủng tộc Hoa. Dòng tộc Hoa là giống người lai căn giữa rợ Nhục Chi (Tokharian) thuộc chủng da trắng với một rợ khác là Mông Cổ mà người Tàu gọi là Hung Nô, Âu châu gọi là Huns, thuộc chủng da vàng. (Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, tr. 79)

Thứ người lai căn này mà về sau gọi là Hoa tộc cũng gọi là Hoa Hạ, có tính cách Mông Cổ ở loại tóc thẳng và đen (tộc Nhục Chi tóc dợn sóng và màu đỏ hoặc màu râu bắp), giống Mông cổ ở nước da vàng, ở mắt xếch, mí mắt lót, màu mắt đen và ngôn ngữ độc âm. Họ có tính cách Nhục Chi ở thân thể cao lớn và râu quai nón như người Tây phuơng mà hiện nay người Hoa Bắc còn mang.

Giống người lai căn này sinh sôi nảy nở ra nhiều nhưng không có đất sống. Người Nhục Chi không muốn nhận giống lai căn đó vì thấy khác họ quá nhiều. Còn người Mông Cổ cũng không muốn nhận họ vì cũng không thấy họ giống người Mông Cổ. Hơn nữa cả dân Nhục Chi lẫn dân Mông Cổ sống bằng nghề chăn nuôi, rất cần nhiều đất để súc vật có cỏ ăn nên họ đuổi giống lai căn đó đi. Thành thử nhóm mang hai giòng máu đó trở thành quân xâm lược đi cướp vùng đất mà nay là Hoa Bắc, lúc đó đã có chủ rồi, chủ đó là Việt tộc, chi Cửu Lê.

Vậy giống lai căn đó rời bỏ vùng vùng Tây Vực của dân Nhục Chi lúc đó cũng đã bị sa mạc hóa, tiến qua hành lang Cam Túc vào đất Quan Trung của tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Họ sinh sống ở vùng Quan Trung, trong dãy núi Hoa Sơn vì thế họ tự nhận là tộc Hoa (Hoa Hạ). Họ ghép tên đất Quan Trung và tên tộc Hoa thành Trung Hoa để làm tên nước, vì họ cho nơi họ ở là trung tâm thiên hạ! Từ vùng sa mạc khô cằn vào đất Quan Trung màu mỡ thì họ đã lấy làm vui mừng lắm, nhưng dần dà dân số tăng lên, đất đai không còn đủ cho súc vật, họ cần có vùng đất mới để sinh sống. Nhìn qua bình nguyên sông Hoàng Hà của các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam họ thấy đất đai ở đó màu mỡ, dân ở đó canh tác hoa màu tốt tươi nên họ áp dụng lối sống du mục của tổ tiên là ăn cướp, giết địch để thâu chiến lợi phẩm là súc vật, đàn bà, và vùng đồng cỏ.

Hoa tộc lúc đó dưới quyền của lãnh tụ Hiên Viên, còn dân Cửu Lê thì dưới quyền thống lãnh của Xuy Vưu mà sử Tàu gọi là “Xuy Vưu cổ thiên tử, Xuy Vưu bá thiên hạ”. Như thế, sử Tàu cũng công nhận là dân Cửu Lê sống ở đó đã lâu đời, tổ chức thành nước có vua, ông vua đó Tàu gọi là Xuy Vưu với nghĩa miệt thị.

(Trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp thì cho Xuy Vưu là quân thần của Đế Lai : “Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến truyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xuy Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân dã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng bộ chúng thị thiếp ở lại hành cung.” bản dịch của Lê Hữu Mục,xb, Huế 1960, tr.43 ).

Hiên Viên kéo nhóm dân du mục hung dữ, tàn bạo đánh úp Xuy Vưu tại Trác Lộc, một địa điểm trên bờ sông Hoàng Hà, phía bắc tỉnh Hà Nam. Dân Cửu Lê, một chi nhánh của đại tộc Bách Việt, là dân vốn sống bằng nghề nông nghiệp, hiền lành, ít có chiến tranh, không phòng bị gặp phải thứ dân du mục quen nghề chém giết nên bị thua. Xuy Vưu bị giết, dân bị tàn sát, bị bắt làm nô lệ, một số chạy trốn.

Trong số bị bắt, đông nhất hẳn là đàn bà. Giống dân du mục lang thang đó đây theo bầy gia súc rất cần đàn bà nên khi đánh một bộ lạc nào, việc đầu tiên là tàn sát đàn ông và bắt đàn bà làm vợ, làm nô lệ. Ðám Hoa tộc của Hiên Viên cũng không ngoài thông lệ đó. Họ bắt đàn bà, giết người đau yếu, bắt người khỏe mạnh làm nô lệ. Nhưng dân Cửu Lê sau khi thua trận, những người khỏe mạnh đã bỏ chạy trốn. Họ chạy xuống miền nam sông Hoàng Hà để nương náu với đồng tộc của họ đang sinh sống ở đó. Họ cũng chạy ra biển, vượt biển, có lẽ là nơi trước đó họ đã đổ bộ vào đất liền. Họ chạy qua Ðại Hàn, Nhật Bản, Ðài Loan, Hải Nam, và Bắc Việt. Nhóm tới Bắc Việt, nhập vào dân Việt đã sống ở đó và đã lập quốc gọi là Văn Lang.

Sử Tàu khoe rằng đã bắt được đám Cửu Lê với vũ điệu Xuy Vưu. Như thế là dân Cửu Lê đã có một trình độ văn hóa khá cao với các vũ điệu mà Hoa tộc phải học lại. Họ còn học lại với lớp dân Cửu Lê nghề canh nông, nghề đánh cá. Và bây giờ thì Hoa tộc trở thành dân định canh định cư, hết còn lang thang bằng nghề chăn nuôi súc vật nữa.

(Xin mở dấu ngoặc ở đây để nghe triết gia Kim Ðịnh nói về vũ điệu Xuy Vưu mà cụ gọi là Li Vưu vì cho rằng người Tàu, khi chiến thắng đã gọi kẻ thua trận bằng tên rất xấu có ý khinh miệt nên phải gọi là Li Vưu mới đúng (Li Vưu có nghĩa là Rồng vàng thượng thặng)… “Ðồ múa thì gồm có móc, búa, đuôi bò và nhất là lông chim ngũ sắc, chữ nho kêu là vũ. Chính vì thế bài vũ có tên Vũ Nghi, tức là trang sức (nghi) bằng lông chim ngũ sắc (vũ). Nếu nói Nghê thường vũ y khúc (chỉ màu ráng đỏ) phương Nam, thường là váy, y vũ là áo bằng lông… Những đồ vũ đó nhất là lông chim ngũ sắc đã từ lâu gắn liền với vũ, hễ múa là phải đeo lông chim thì múa mới thành, mà múa có thành thì lễ mới nên (valid). Bởi thế vũ có mang lông chim đã trở nên con cháu chủ quyền của Việt lý, con cháu có thể dùng để nhận diện gia bảo…” Kim Ðịnh, Văn Lang Vũ Bộ.)

Dân Cửu Lê còn ở lại bị liệt vào hạng tôi đòi hạ lưu của xã hội Hoa tộc và bị gọi là  dân (đầu đen) : “Lê dân sống trong cảnh lầm than khổ cực” và câu : “Ðược mắt xanh ngó tới” chứng tỏ rằng tầng lớp quý tộc, thống trị là người Hoa, con mắt họ lúc đó còn màu xanh và tóc hung đỏ của rợ Nhục chi, còn dân Cửu Lê thì tóc đen. Các nhà chủng tộc học gọi giống Hoa tộc này thuộc chủng Trung Mông gô lích. Chủng Bắc Mông gô lích là người Mông cổ và sau này gọi giống người ở Hoa nam là Nam Mông gô lích.

Ðó là lần đầu có cuộc đụng độ chiếm đất, đồng hóa dân Việt của Hoa tộc. Cuộc đụng độ lần đầu tiên này do sử Tàu ghi lại để khoe thành tích, nên ta mới biết có cuộc xâm lăng khủng khiếp đó, nếu không thì chẳng ai biết gì và cứ tưởng vùng đất Hoa bắc ấy là của Hoa tộc từ thuở nào, chứ có ai dè đất ấy là của Việt tộc đã ở đó hàng ngàn năm trước.

Nhóm Cửu Lê thất trận rồi, lớp bỏ chạy, lớp ở lại bị đồng hóa với Hoa tộc thì bên cạnh đó, ở vùng sông Bộc có một nhóm khác cũng thuộc dòng Việt tộc, đó là nhóm Bách Bộc. Sông Bộc là con sông phát nguyên từ cao nguyên tỉnh Sơn Ðông chảy vào sông Hoàng Hà. Ðịa bàn của nhóm Bách Bộc không xa Trác Lộc, nơi Hiên Viên đánh Xuy Vưu là bao nhiêu.

Nhóm Bách Bộc này sống bằng nghề canh nông và tầm tang (trồng dâu nuôi tằm dệt lụa). Họ có lối sống cổ sơ hồn nhiên trai gái giao du thân mật không bị cấm đoán “nam nữ thụ thụ bất tương thân” như Hoa tộc. Người Hoa thấy lối sống thân cận nam nữ của dân Bách Bộc thì chê bai chỉ trích là cảnh dâm loạn : “trên bộc trong dâu”.

Nhóm Bách Bộc này rồi cũng bị người Hoa tấn công chiếm đất. Không biết có những trận chiến xẩy ra khốc liệt như với nhóm Cửu Lê hay không vì không thấy sử chép nhưng biết rằng nhóm này bị lấn đất mãi, bị dồn lên cao nguyên Sơn Ðông và cuối cùng cũng bị đồng hóa với Hoa tộc. Nhóm Bách Bộc bị dồn lên cao nguyên Sơn Ðông này, Tàu gọi họ là Đông Di. Những người Di Việt bị dồn lên Cao nguyên Sơn Ðông vẫn còn tồn tại và luôn luôn nổi lên chống đối Hoa tộc. Cho mãi đến đời Tam Quốc nhóm người Đông Di này vẫn còn dằng dai kháng cự. Cụ thể là nhóm người mà Tàu gọi là Hoàng cân (khăn vàng, người Di này dùng khăn bịt đầu vì họ cắt tóc ngắn, phát tiễn, một dấu chỉ của người Việt, sử Tàu cũng cho biết người Di này nhuộm răng đen và xâm mình), nổi lên đánh phá khắp vùng Sơn Ðông làm điêu đứng nhà Hán không ít và cũng là dịp cho Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền xuất hiện lập ra ba nước Thục, Nguỵ, Ngô.

( Chính nhóm Huỳnh Cân này phát khởi ra Thiên Ðịa Hội. Có ba người tự xưng là :

– Thiên công tướng quân : Trương Giốc

 Ðịa công tướng quân : Trương Bảo

 Nhân công tướng công : Trương Lương

Họ kết hợp lại thành “Tụ Nghĩa Hội” hay là “Bài Huyết Hội” thường gọi là “Thiên Ðịa Hội”. Thiên Ðịa Hội từ đó bành trướng khắp nước Tàu, trước còn có mục đích yêu nước sau biến dạng thành các tổ chức anh chị đâm thuê chém mướn, buôn lậu. Thiên Ðịa Hội có một thời hoạt động rất mạnh tại miền nam Việt Nam thời Pháp mới đặt nền đô hộ.

Ðời nhà Tống có các hảo hớn Lương Sơn Bạc nổi lên chống lại triều đình thối nát tham nhũng, Căn cứ của các hảo hớn này là tỉnh Sơn Ðông, hẳn là người Di lại đã nổi lên chống lại người Hoa cai trị. Ðến đời nhà Thanh những người Di này lại nổi lên chống nhà Thanh với danh hiệu là “Nghĩa Hòa Quyền”, khẩu hiệu là “Diệt Thanh Phục Minh” về sau thấy người Tây phương qua ức hiếp người Tàu họ lại quay ra “Phù Thanh Diệt Dương” Nghĩa Hòa Quyền kéo quân vào thành Bắc Kinh đánh phá các tòa đại sứ, lãnh sự Tây phương khiến các nước Tây phưong phải kéo quân vào đánh quân Nghĩa Hòa Quyền, người Tây phương gọi đám quân này là Boxer, Quyền phỉ. Từ ngày bị người Hoa dồn lên cao nguyên Sơn Ðông đến nay có hơn năm ngàn năm, bị người Hoa bao vây tứ phía, thế mà người Di (BộcViệt) vẫn còn đầy sức sống để nổi lên chống lại đám người Hoa xâm lăng. Ngày nay những người Sơn Ðông mãi võ, thường hay đi bán thuốc ở Việt Nam là hậu duệ của người Di Việt hay Bách Bộc này. Phải chăng người Sơn Ðông mãi võ này, thuộc Thiếu Lâm bắc phái, biết họ có mối liên hệ ruột thịt của dòng máu Bách Việt với người Việt Nam nên mới thường xuyên tìm đến như thế?).

Dân Bách Bộc bị Hoa tộc xâm lăng thì bỏ chạy tứ tán, một số đi ra biển đông tới Nhật, Cao Ly, Ðài Loan, Hải Nam, Việt Nam…, một số rút lên Cao nguyên Sơn Ðông kháng cự chống lại Hoa tộc như ta đã biết, một số chạy xuống vùng đồng bằng sông Dương Tử, nơi có các nhóm Việt khác đang sinh sống tại đó. Ở đây, họ thành lập nước Bộc và cầm đầu các nước Việt khác chống lại nước Sở.

Thế là địa bàn Hoa Bắc ở vùng sông Hoàng Hà, Hoa tộc đã chiếm trọn của Việt tộc và lập ra đó nhiều nước mà sử Tàu gọi là vạn quốc. Ðến thời Chiến Quốc(476-221 TCN) lúc nhà Ðông Châu mạt vận thì chỉ còn 7 nước (Tề, Sở, Ngụy, Yên Triệu, Hàn, Tần) vì các nước nhỏ đã bị các nước lớn nuốt hết, để rồi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc thống nhất nước Tàu.

Người Tây phương chỉ biết nước Tàu từ thời Tần Thủy Hoàng nên họ lấy tên nước Tần của Tần Thủy Hoàng để gọi nước Tàu hay Trung Hoa, đọc theo giọng quan thoại tức tiếng nước Tần là Ch’in hay Tsin, người Pháp đọc là Chine, người Anh đọc là China. Người Hoa tự coi họ như là trung tâm của thiên hạ (Trung Hoa). Vì tự tôn nên họ coi những dân tộc sống xung quanh họ là man di mọi rợ. Dân phía bắc họ gọi là Bắc Ðịch (Mông cổ, Mãn châu), phía tây là Tây Nhung (Tây Tạng), phía đông là Ðông Di (Bộc Việt), phía Nam là Nam Man (Bách Việt). Khi tiếp xúc với người Tây phương thì họ gọi dân da trắng đó là Bạch quỷ!

Ngày nay người Tàu không gọi nước họ là Trung Hoa mà gọi là Trung Quốc. Họ không gọi nòi giống họ là Hoa mà gọi là Hán. Ðó chẳng qua là họ muốn dấu tung tích nòi giống Hoa tộc đã đánh chiếm đất của các giống Việt, Mãn, Mông, Tạng và Hồi… và đồng hóa các dân tộc này. Không có thứ dân tộc nào là Hán cả mà chỉ có Hoa tộc, Việt tộc, Tạng tộc, Mãn tộc, Mông tộc, Hồi tộc. Ðể ru ngủ các tộc khác ngoài tộc Hoa khỏi nổi lên đòi đất, đòi tự chủ nên tộc Hoa đã chịu dấu kỹ cái tộc Hoa của mình mà lấy cái tên Hán làm tên chung cho các thứ dân tộc đã bị người Hoa đồng hóa.

Ngày xưa người Tàu thường dùng các tên triều đại cai trị để gọi tên nước, tên người, như dưới thời nhà Ðường thì gọi tên nước là Ðường quốc, người Ðường (Thoòng dành), đời nhà Mãn Thanh thì gọi là nước Ðại Thanh, người Ðại Thanh.

Lưu Bang và Hạng Vũ cùng nổi lên lật đổ nhà Tần của Tần Thủy Hoàng. Lưu Bang có ý muốn trừ Hạng Vũ để tự thống nhất thiên hạ. Hạng Vũ cả giận muốn giết đi nhưng nghĩ thương tình vì cũng là người nước Sở cả, nên mới cho vào trấn đất Hán Trung và Ba Thục phong cho tước hiệu là Hán Vương. Về sau Lưu Bang lập mưu đánh bại Hạng Vũ và lên ngôi lấy tước hiệu Hán vương đổi thành Hán Hoàng Ðế tức Hán Cao Tổ, thủ đắc một nước Tàu thống nhất và xâm chiếm Bách Việt do công của Tần Thủy Hoàng lập ra. Vì nhà Hán cai trị nước Tàu lâu đời và trọng dụng các nho sĩ nên được ca tụng, rồi từ đó chữ nho được gọi là chữ Hán, người Tàu được gọi là người Hán. Ðáng lý ra người Tàu phải gọi người Tần, Ch’in hay Tsin như người Tây phương gọi là Chine, China mới đúng vì công thống nhất nước Tầu là của Tần Thuỷ Hoàng !


PHẦN II
NƯỚC SỞ: KHUÔN MẪU CỦA HOA TỘC NUỐT CÁC NƯỚC VIỆT TỘC
CUỘC CHIẾM ĐẤT LẦN THỨ HAI.

Hoa tộc chiếm được bình nguyên Hòang Hà rồi thì họ lập lu bù nước ở đó, có lúc lên đến hàng vạn nước. Thật ra chỉ là những bộ tộc, những họ, mỗi họ chiếm một một vùng tự xưng là nước chư hầu dưới quyền của một ông hòang đế, đó là các vua nhà Hạ, nhà Thương Ân, nhà Châu và chính các ông vua này tự xưng là Thiên tử, con trời! Hoa tộc vốn là dân du mục đi theo đàn súc vật kiếm sống, nay vào chiếm được phần đất Trung nguyên, đất đai tốt tươi mầu mỡ, thì mạnh ai nấy chiếm để vừa canh tác vừa nuôi súc vật. Họ trở thành những lãnh chúa phong kiến. Các lãnh chúa này có tham vọng đất đai quyền hành thường xung đột lẫn nhau để chiếm đất, bắt địch thủ phải triều cống, phục tùng. Vì thế từ hàng vạn nước, dần dà nuốt lẫn nhau xuống còn vài nghìn, vài trăm. Tới thời Đông Châu mạt vận thì chỉ còn 7 nước, đó là các nước Tần, Triệu , Tề, Sở, Yên, Ngụy, Hàn. Rồi chúa nước Tần là Tần Vương Chính “gồm thâu lục quốc”, nuốt chửng 6 nước kia, lên ngôi Hòang Đế lấy hiệu là Tần Thủy Hòang, thống nhất các nước Hoa tộc (221 TCN).

Sau trận đụng độ lớn lao giữa Hiên Viên và Xuy Vưu, sau khi đã nuốt chửng Cửu Lê và Bách Bộc, sau khi đã dồn dân Đông Di (Bách Bộc) lên cao nguyên Sơn Đông và bao vây họ ở đó thì không còn trận đụng độ nào lớn lao giữa Hoa tộc và Việt tộc. Phải mất gần ba ngàn năm (3000) sau mới làm cho con hổ đói Hoa tộc chồm xuống nuốt trọn miền Hoa Nam của dân Bách Việt. (trừ trường hợp vua Cao Tông nhà Ân “phạt Quỷ Phương tam niên” tức xâm lăng nước Xích Quỷ hay Văn Lang đời Hùng Vương thứ 6 trong 3 năm và bị đức Phù Đổng Thiên Vương đánh bại, từ đó không còn dám xâm phạm đất Văn Lang lần nào nữa.)

Trong lúc Hoa tộc lo củng cố, phát triển phần đất chiếm được thì không phải là họ chịu để yên cho dân Việt được sinh sống giữ gìn đất đai của mình mà họ âm thầm áp dụng một phương thức xâm thực ôn hòa, bền bỉ mà vô cùng nguy hiểm, thâm độc, cho đến lúc người dân Việt bị Hoa hóa hồi nào không hay và phần đất Việt đó trở thành đất của Hoa tộc!

Nước Sở là trường hợp điển hình cuộc Hoa hóa đó.

Mấy ông vua Tàu tuy chức tước lớn lao tự xưng là Thiên tử, Con Trời, là Hòang Đế, các chư hầu phải phục tùng triều cống, nhưng thật ra đất đai chẳng có bao nhiêu, binh lính cũng chẳng nhiều nên khi có anh chư hầu nào ngang bướng không thèm nghe lời thiên tử, tự xưng chức bá chức vương thì ông Hòang đế phải cầu cứu (triệu tập) các nước chư hầu để dẹp loạn. Nếu các chư hầu không đồng thuận hay sợ cái anh ngang bướng đó, vì anh ta dữ quá thì ông Hòang đế cũng đành vuốt giận làm ngơ!

Các ông vua đó cũng thường hay phong chức (Phong) và cắt đất (Kiến) cho mấy công thần để đền ơn, để làm vây cánh, lấy chỗ này một ít ban cho ông này, lấy chỗ kia một ít kiến cho ông khác và như thế chế độ phong kiến mỗi ngày mỗi củng cố. Trong trường hợp đó, vua nhà Châu đã phong chức cho Hùng Dịch và chỉ đại một miếng đất của người Việt ban cho ông này với mục đích đẩy ông này đi tiên phong trong việc chiếm đất Việt tộc.

Châu Thành Vương (1285 TCN) phong cho Hùng Dịch tước Tử và “ban” cho đất Kinh Cức là đất Việt làm lãnh thổ. Đây không phải lần duy nhất mà ông vua Tàu lấy đất Việt phong cho công thần. Sử Tàu chép : “Năm Quý Mão (2083 TCN) vua Thiếu Khang nhà Hạ phong cho con thứ là Vô Dư ở đất Việt.” Rồi không thấy sử nói gì nữa. Không biết đất Việt đó ở đâu, cái ông Vô Dư được phong đó (hay bị đày) có đến đất Việt hay không và có làm được gì không, hay đã bị dân Việt nuốt chửng mất! Từ khi Vô Dư được phong ở đất Việt cho đến Hùng Dịch phải mất gần 800 năm lại mới có cuộc chiếm đất phong bừa như thế. Đây là hai trường hợp mà sử sách có nói đến, có lẽ còn nhiều trường hợp lấy đất Việt phong bừa cho các người khác, nhưng sử sách không nói đến vì những người này không có tiếng tăm, hoặc họ bị dân Việt giết hay bị đồng hóa với dân Việt cả rồi.

Hùng Dịch được phong vì giòng họ có công nhiều kể từ đời Xuyên Húc. Trong giòng họ có một người tên Lục Chung. Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương, có thai mười một (11) tháng rồi giở nách bên tả sinh 3 người con, giở nách bên phải sinh 3 người con! Người thứ 6 tên là Quý Liên họ Mỵ (Mễ). Quý Liên có một người con tên Dục Hùng. Dục Hùng lấy tên làm họ. Từ đó con cháu đều lấy tên Hùng làm họ. Hùng Dịch là cháu.

Truyện Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương làm ta chú ý. Nước Quỷ Phương này được nhắc đến khi Ân Cao Tông “phạt Quỷ Phương tam niên”. Nước Quỷ Phương mà sử Tàu nói đến nó trùng hợp với nước Xích Quỷ trong truyền thuyết của ta. Xích Quỷ là tên nước ta thời Kinh Dương Vương. Truyền thuyết của ta có nói đến vua nhà Ân là Cao Tông kéo quân xâm lăng nước Quỷ Phương 3 năm mà sử Tàu gọi là “phạt Quỷ Phương tam niên” nhưng “bị Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đánh phải chôn xác lại trên đất Việt, có nói trong Kinh Thư, mà các sử gia Tàu có ý dập bớt đi” (Kim Định, Hưng Việt)

Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói về nước Xích Quỷ. Xích Quỷ là tên nước của Kinh Dương Vương. Tên Xích Quỷ này gây nhiều tranh luận. Có người cho là truyện bịa đặt, đâu có ai lại đi đặt tên nước xấu như vậy! Ông Nhượng Tống bàn như sau: “Người Tàu cho mình là văn minh và người khác là dã man, là quỷ. Cho mãi đến gần đây họ còn gọi người da trắng là Dương quỷ, Bạch quỷ. Như thế có lẽ ngày xưa họ gọi mình là Xích quỷ vì ta ở phương Nam và theo thuyết năm hành của họ thì xích (đỏ) là màu của phương nam. Nhưng có lẽ nào vua nước ta lại tự đặt lấy cái tên xấu xí như thế ?”

Triết gia Kim Định cho rằng cái tên Xích Quỷ là có thật : “…Đây là giai đọan thờ mặt trời mà ấn tích còn sót lại là tên Xích Quỷ, hiểu quỷ là làm chủ, còn xích là tinh hoa của cái gì, đây là tinh hoa của thời thờ mặt trời.”

Ông Bình Nguyên Lộc viết: “Truyền thuyết ta cho rằng nước ta tên là Xích Quỷ, Ngô Sĩ Liên chép lại, bị Nhượng Tống cứ cho rằng lẽ nào ta lại đặt tên nước xấu đến thế. Nhưng chúng tôi sẽ trình diện một thứ người cổ Mã Lai tự xưng là Lạc, nói tiếng Việt cổ và mang màu da thổ chu….Truyền thuyết của ta không ngốc đâu. Xích Quỷ có thể là danh xưng mà Tàu gọi ta vào cổ thời ta không hiểu, nhưng cứ nhận y hệt như nước Xiêm.”

Ông Bình Nguyên Lộc trình diện người Việt cổ có màu da thổ chu là người Khả Lá Vàng, sống ở vùng Trường Sơn giữa Việt Nam và Lào : “Những người này cao lớn, nước da thổ chu, xâm trán (Điêu đề) nói tiếng cổ Việt Nam, ăn canh cua đồng. Màu da thổ chu của Khả Lá Vàng cắt nghĩa được tại sao ta là Xích Quỷ mà Nhượng Tống phủ nhận cho rằng không lẽ nào ta lại lấy tên nước xấu như vậy. Tóm lại Khả Lá Vàng theo tài liệu ở đây là tộc “Xích Quỷ”, xâm trán (điêu đề), tự gọi là Lạc (Alak), nói tiếng Việt cổ, ăn canh cua đồng và đàn bà đẻ nằm bếp”. (BNL, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN)

Ông Nguyễn Xuân Quang viết : “Tên nước Xích Quỷ rất giản dị. Xích là đỏ. Quỷ phiên âm từ chữ Kẻ là người. Xích Quỷ là Người Đỏ, là Kẻ Đỏ. Kẻ Mặt Trời. Người Mặt Trời. Việt Mặt Trời. Nước Xích Quỷ là nước Người Mặt Trời rực lửa.

Và ông “khám phá” ra một nước Xích Quỷ ở Hoa Kỳ. “Đó là tiểu bang Oklahoma, với Okla là ochre : hoàng thổ, đất đỏ. Homa là Người. Oklahoma là người “Thổ Chu”, người “Da Đỏ chính là Xích Quỷ.”(NXQ, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt)

Ông Lê văn Ẩn giải nghĩa Xích Quỷ : “Xích có nghĩa đường Xích đạo. Quỷ ở đây là sao Quỷ, tượng trưng cho Phương Nam. Khi vua Vũ Định nhà Ân (Ân Cao Tông) đóng quân tại Kinh, tức vùng Kinh thuộc Châu Kinh. Thời điểm đó thì sao Quỷ nằm tại vùng Châu Kinh, mà Châu Kinh là của Việt nên người Việt ta mới có truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương chống giặc Ân. Chống giặc Ân tức là chống quân của Ân Cao Tông từ phía Bắc kéo xuống”. (LVA, Việt tự và khảo cổ, Giai phẩm Xuân Giáp Thân 2004, Thời Báo)

Truyện ông Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương chứng tỏ con cháu Lục chung có lai giòng máu Việt. Hùng Dịch là thứ con lai đó. Có lẽ vì thế mà vua Châu Thành Vương mới đẩy xuống đất Kinh Việt làm lãnh chúa, đi tiên phong mở mang bờ cõi, nếu thành công thì là đầu cầu cho Hoa tộc tràn xuống đất Việt, còn nếu có bị dân Việt phản ứng giết đi thì ráng chịu!

Đất Kinh Cức Hùng Dịch được phong nằm ở thượng nguồn phía tây sông Hán. Ở đó có núi Kinh và thứ cỏ gai mọc tràn lan tên là Cức. Nó là đất của dân Việt nên cũng gọi là Kinh Việt hay Kinh Man. Ngày nay nó thuộc về tỉnh Hồ Bắc.

Hùng Dịch vì có máu lai nên đi xuống vùng Kinh Cức cũng như người về quê mẹ. Dần dà quy tụ được một số người dưới trướng, rồi bành trướng mãi ra, bắt các đầu mục các trưởng lão quy thuận. Thế là Hùng Dịch có được một địa vị, trở thành chúa một nước, nước Sở. Hùng Dịch lại được một số người Hoa tới bổ xung, lấn dần đất, cho người Hoa lai với dân Việt, bắt dân Việt ăn mặc, sống theo nếp người Hoa, dần dà người Viêt bị Hoa hóa. Hùng Dịch rồi con cháu cứ lấn dần đất Việt từ Hồ Bắc xuống Hồ Nam nơi có Hồ Động Đình. Hồ Động Đình đối với dân Việt như vùng Thánh Địa vì ở đó là nơi bà Long Nữ, con gái Động Đình Quân lấy Kinh Dương Vương. Nơi đó Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ đẻ bọc trứng nở ra 100 con, thủy tổ của dòng Bách Việt. Từ nay vùng Thánh Địa của dân Việt lọt vào tay Hoa tộc.

Dân Việt lại phải một lần nữa lui xuống phía nam Ngũ Lĩnh hay chạy qua phía đông sông Hán để nương nhờ các nước Việt còn đứng vững nơi đó.

Cuộc chiếm đất một cách âm thầm như tằm ăn dâu của Hoa tộc đã kéo dài từ Hoa Bắc xuống tới sông Trường Giang và Hồ Động Đình.

Đó là lần thứ hai Hoa tộc bành trướng lãnh thổ, xâm chiếm đất Việt.


CUỘC XÂM LĂNG LẦN THỨ BA:
NƯỚC SỞ NUỐT TRỌN CÁC NƯỚC VIỆT MIỀN HÁN ĐÔNG.

Trong khi Hùng Dịch và con cháu thành lập nước Sở ở miền Hán Tây (phía tây sông Hán) thì tại miền Hán Đông (phía đông sông Hán) dân Việt thành lập nhiều nước trong đó có các nước như: nước Ba, nước Ưu, nước Đặng, nước Giao, nước La, nước Viên, nước Nhị, nước Chẩn, nước Thân, nước Giang, nước Tùy, nước Huỳnh (Hòang), nước Dung, nước Bộc. Chắc còn nhiều nước nữa nhưng không được nhắc đến vì chỉ có các nước kể trên mới thành lập liên minh chống Sở.

Nước Sở đã chiếm trọn miền Hán Tây xuống đến Hồ Động Đình, đã khuất phục được dân Việt ở đó thì quay ra dòm ngó các nước Việt ở Hán Đông. Nước Sở cho quân sang quấy nhiễu bắt các nước này phải phục tùng, phải triều cống khiến các nước này phải liên kết lại thành liên minh chống nước Sở. Dưới con mắt các nước Việt thì Sở là dân mất gốc dưới quyền cai trị của tầng lớp thống trị Hoa tộc. Đến thời Sở Trang Vương thì dân Việt đất Sở đã bị đồng hóa với Hoa tộc cả rồi. (611 TCN)

Vì cứ bị nước Sở lấn đất, cướp của bắt người nên các nước Việt vùng Hán Đông nhất quyết liên minh đánh Sở. Các nước Việt liên minh dưới quyền lãnh đạo của nước Bộc. Nước Bộc Việt này là dòng dõi của dân Bách Bộc trên sông Hòang Hà bị Hoa tộc xâm chiếm thời Hiên Viên, chạy xuống phía Hán Đông, thành lập nước Bộc Việt.

Chúa nước Sở là Sở Trang Vương thấy quân các nước Việt đông quá, hỏang sợ định chạy trốn qua phía tây. Các tướng nước Sở trấn an Sở Trang Vương và liều chết xông vào đánh liên quân Việt, chiếm được nước Đặng rồi sáp nhập nước này vào nước Sở luôn. Liên quân Việt thấy quân Sở mạnh quá đánh không lại nên phải lui quân. Các nước Việt này rồi bị Sở chiếm lần lần, một số khác bị nước Ngô nuốt.

Các nước Việt nho nhỏ ở Hán Đông tan rã, nhưng lại nổi lên hai nước cùng dòng tộc Việt khác rất nổi tiếng thời Đông Châu cũng gọi là thời Xuân Thu hay Chiến Quốc, đó là nước Ngô và nước Việt.

Nước Ngô ở vào tỉnh Giang Tô ngày nay. Vua nước Ngô lúc đó là Thọ Mông. Một phản tướng của nước Sở là Khuất Vu chạy trốn qua nước Tấn nên tộc đảng bị vua Sở đem chém hết. Khuất Vu tức giận, đổi tên là Vu Thần, bày mưu cho vua nước Tấn là Tấn Cảnh Công sang giao hiếu với nước Ngô, dạy cho nước Ngô về binh pháp, chế tạo vũ khí để mượn tay nước Ngô đánh phá nước Sở. Vu Thần lại cho con là Hồ Dung sang làm quan ở nước Ngô. Từ đó nước Ngô hùng mạnh lên, chiếm các nước Việt Hán Đông của nước Sở.

Nước Ngô nổi tiếng về tài đúc kiếm. Thanh kiếm Can Tương và Mạc Gia rất nổi tiếng được sử Tàu nói đến nhiều. Vì có tài luyện kim, đúc kiếm, chế tạo vũ khí nên kho vũ khí rất dồi dào. Nước Ngô lại được phản tướng nước Sở là Ngũ Viên tự là Ngũ Tử Tư sang đầu, rèn luyện quân binh rất hùng mạnh. Nước Ngô lại được thêm Tôn Vũ là người Việt nước Ngô. Tôn Vũ là một chiến lược gia, viết bộ Binh Thư, thường được biết dưới tên “Tôn Ngô Binh Pháp” nổi tiếng cho đến ngày nay các nhà quân sự vẫn còn áp dụng. Có thể nói nước Ngô là nước mạnh nhất thời đó. Ngũ Tử Tư vì muốn báo thù vua Sở nên xúi vua Ngô đánh nước Sở. Vua Ngô là Hạp Lư đem quân đánh Sở, vào chiếm kinh đô nước Sở là Dĩnh Đô, vua Sở phải bỏ chạy. Vua Ngô Hạp Lư lập con vua Sở là công tử Thắng làm vua rồi rút quân về. Con Hạp Lư là Phù Sai nối ngôi làm vua nước Ngô, thế lực bao trùm cả các nước chư hầu nhà Châu. Ngô Phù Sai triệu tập các nước chư hầu nhà Châu để xưng Bá thay cho nước Tấn. Đây là lần đầu tiên một nước Việt tộc đã làm bá chủ các nước Hoa tộc và sau đó một nước Việt tộc khác là U Việt của Câu Tiển lên làm bá chủ thay Phù Sai.

Phía dưới nước Ngô, có nước Việt tức U Việt, nay là tỉnh Chiết Giang. Vua nước Việt là Dõan Thường chăm lo sửa sang triều chính, dùng người hiền lương, thương mến dân nên nước mỗi ngày mỗi cường thịnh. Vua nước Ngô là Dư Sái thấy thế đâm lo lắng sai tướng sang đánh nước Việt, bắt được tướng Việt là Tôn Nhân đem về chặt chân sai giữ thuyền vua. Một hôm Dư Sái ngự chơi thuyền, uống rượu say rồi ngủ quên. Tôn Nhân cởi thanh gươm của Dư Sái, đâm Dư Sái chết. Bọn nội thị xúm lại giết Tôn Nhân. Từ đó giữa nước Ngô và nước Việt có mối thù khiến hai nước cùng chung dòng giống Việt này gây chiến muốn tiêu diệt lẫn nhau.

Nước Việt cũng rất giỏi nghề luyện kim đúc kiếm, đúc đồng pha. Tương truyền vua nước Việt có 5 thanh kiếm quý do kiếm sư Âu Gia Tử luyện ra. Vua Ngô là Thọ Mông nghe tiếng muốn lấy nên vua Việt phải dâng 3 thanh kiếm, đó là các thanh Ngư Trường, Ban Dĩnh và Trạm Lư.

Vua Ngô là Dư Sái bị tướng Việt Tôn Nhân giết, vua kế vị là Hạp Lư hận lắm, điều đông binh thuyền để trả thù. Hạp Lư mới thắng nước Sở thanh thế rất lớn. Vua nước Việt là Câu Tiễn cho lũ tù nhân cầm gương kề cổ, kéo tới dinh quân Ngô la lớn rồi đâm gươm vào cổ tự tử chết (thuật tự đâm mình chết này được các di dân Việt đem theo qua Nhật Bản trở thành Harakiri). Quân Ngô thấy việc lạ chạy ra xem, ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, quên cả phòng bị. Lúc đó quân Việt từ tả hữu kéo đến xông vào dinh quân Ngô làm quân Ngô rối loạn. Vua Hạp Lư bỏ chạy bị tướng Việt chém đứt ngón chân cái, rớt mất giày. Hạp Lư đã già, đau quá chịu không nổi nên chết.

Con Hạp Lư là Phù Sai lên kế ngôi. Phù Sai nhớ hận vua cha bị quân Việt giết nên đem quân qua Thái Hồ đánh Việt Câu Tiễn, thế quân Ngô rất mạnh, quân Việt chống không lại phải xin giảng hòa. Phù Sai bắt Câu Tiễn qua Ngô làm tù binh. Câu Tiễn bị giam ở nhà đá, nuôi ngựa, Phù Sai đi đâu, Câu Tiễn phải giắt ngựa. Có lần Phù Sai bị bệnh, Phạm Lãi coi số biết vua Ngô sắp hết bệnh bảo Câu Tiễn nếm phân Phù Sai mà chúc mừng rằng vua Ngô sắp hết bệnh. Vì khổ nhục kế như vậy nên Phù Sai cảm động mà tha cho về.

(Tương truyền vì Câu Tiễn nếm phân Phù Sai nên sinh chúng hôi miệng, mấy ông lang (băm) mới bày cho Câu Tiễn ăn rau dấp cá để báng mùi hôi, thế rồi các ông quan cũng đua nhau ăn dấp cá để tỏ lòng thông cảm với nỗi cay đắng vua phải chịu. Sau đó, tòan dân nước Việt cũng bắt chước ăn. Tục ăn rau dấp cá truyền sang nước ta là do đám người lưu vong chạy qua khi nước Sở diệt nước Việt. Ngày nay thói ăn rau dấp cá rất phổ biến ở nước ta. Thời gian Ngô Việt tranh hùng này còn truyền tụng nhiều giai thọai và ca dao tục ngữ :

“Nằm gai nếm mật” nghĩa là nằm ngủ trên đống chà, mỗi ngày phải le lưỡi nếm mật heo cho đắng miệng nhắc nhở đừng quên mối thù, đó là cách thức vua Việt Câu Tiễn sau 10 năm bị Ngô Phù Sai cầm tù được tha về vẫn thực hiện mà nhớ mãi nỗi cay đắng khi bị cầm tù, để nhớ phải báo thù.

Người dân nước U Việt bị nước Ngô đày đọa khổ sở nên tỏ lòng căm phẫn: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô” có ý nói dân Việt phải triều cống phục dịch Ngô như gánh vàng đi đổ xuống sông thì biết bao giờ mới lấp đầy lòng tham của vua Ngô. Hai nước đánh nhau không thôi còn tìm cách trấn áp trù ếm nhau như trong câu : “Đánh trống qua cửa nhà Sấm”, vua Ngô muốn trấn áp vua Việt khi xây thành cho làm một cái cửa xây về hướng nước Việt và đặt tên là cửa Sấm có ý chỉ nước Ngô như sấm xét đánh tan nước Việt. Vua Việt cho thợ đúc nhiều trống đồng đem ra đánh để làm bạt sấm xét đi!

Thói tục ghét nước Ngô truyền vào nước ta (Văn Lang, Việt Nam) theo bước chân di cư của dân U Việt, cứ hễ thấy người Tàu phương bắc, bất luận là sắc dân nào cũng đều cho là người Ngô, và chỉ trích chế nhạo. Người Việt có tục nhuộm răng đen và cho như thế là đẹp, người Tàu thì để răng trắng, bởi thế mới có câu : “Răng trắng ởn như răng thằng Ngô”. Lại lấy cả truyện gia đình so sánh với giặc Ngô : “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”., hoặc “Thằng Ngô con đĩ” hoặc “Hoài con mà gả cho Ngô cho Lào” hoặc “Băm bầu băm bí, băm chị thằng Ngô, băm cô cái ả”. Có một bài hát nói hóm hỉnh mỉa mai“con đĩ” đốt vàng cho”thằng Ngô” như sau :

Tham giàu lấy phải thằng Ngô
Đêm nằm như thể cành khô chọc vào
Kể từ ngày tôi lấy anh
Anh bảo tôi rằng chả biết tiếng gì
Tôi chỉ biết một tiếng phán xì là củ khoai lang.

Ba mươi tết, tết lại ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay em cầm cái dù rách
Một tay em xách cái chăn bông
Em ra đứng bờ sông
Em trông sang nước người :
Ới chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!

Một tay em cầm quan tiền
Một tay em cầm thằng bù nhìn
Em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
Ới ai ơi của nặng hơn người!

Tội gì mà ở chính chuyên
Một đêm là xám côn sìn ai cho!

Có người nói rằng dân ta ghét nhà Ngô đời Tam Quốc vì lúc đó Sĩ Nhiếp chết mà Ngô Tôn Quyền không cho con là Sĩ Huy lên nối ngôi cha lại cho người khác sang làm thái thú. Sĩ Huy đem quân chống giữ bị giết, người nhà bị bắt đem về Tàu trị tội, dân ta vỉ thế mà ghét nhà Ngô. Nếu chỉ có thế thì không ông thái thú này cai trị ông thái thú khác cai trị cũng vậy thôi chứ có gì mà phải hận thằng Ngô đến thế. Đời nhà Hán cai trị còn tàn bạo biết mấy khiến Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị phải nổi lên đuổi Tô Định đi sao dân ta không hận thằng Hán? Đời nhà Tùy nhà Đường nhà Minh tàn bạo biết mấy sao dân ta không hận thằng Đường thằng Minh? Chỉ có thể cắt nghĩa được là dân Việt Câu Tiễn đã đem mối hận Ngô Phù Sai tới nước ta và từ đó dân Việt Văn Lang tiêm nhiễm mà cũng ghét Ngô lây, rồi đồng hoá tất cả dân Tàu đều là Ngô cả.)

Vua Việt Câu Tiễn được tha về lo chỉnh đốn binh lính thuyền bè, tích trữ lương thực. Mặt khác dùng mỹ nhân kế tuyển nàng Tây Thi dâng cho Phù Sai khiến ông vua này mải mê sắc đẹp, xây cất Cô Tô thành, ăn chơi trác táng, trể nải việc binh bị. Vua Ngô Phù Sai ỷ sức mạnh vì đã đánh Sở, dẹp Việt, phạt Tề, bèn triệu tập các chư hầu Hoa tộc nơi đất Hòang Trì (nước Vệ) tranh ngôi bá chủ với Tấn.

Câu Tiễn được tin Phù Sai kéo binh đi hội chư hầu liền kéo mười vạn tinh binh sang đánh Ngô. Quân Ngô không cự lại được, tan rã hàng ngũ. Quân Việt thừa thắng kéo đến vây kinh thành nước Ngô, thủy binh đóng tại Thái Hồ, còn bộ binh đóng ở cửa Tư Môn. Bao nhiêu chiến thuyền của quân Ngô bị quân Việt cướp đọat hết. Phạm Lãi nổi lửa đốt Cô Tô đài.

Ngô Phù Sai đang lúc vừa đoạt được ngôi bá chủ thì nghe tin quân Việt qua đánh, lật đật kéo quân về theo đường thủy, bị quân Việt chặn đánh phải lui binh và cho Bá Hy qua xin Câu Tiễn tha cho nước Ngô. Câu Tiễn nhớ ơn Bá Hy đã giúp đỡ khi bị Phù Sai bắt tù nên cho nước Ngô giảng hòa.

Ít năm sau, Câu Tiễn lại đem quân qua đánh nước Ngô. Phù Sai chống không nổi phải tự tử. Câu Tiễn họp các nước Tề, Tấn, Tống, Lỗ xưng bá chủ ở Đông Phương. Câu Tiễn làm vua được 27 năm.

Hai nước Ngô và Việt từ cấp lãnh đạo đến dân đều là người Việt. Hai nước Ngô và Việt đã thay nhau làm bá chủ các nước Hoa tộc một thời. Có lúc nước Lỗ bị quân Tề uy hiếp, Khổng Tử đã phải cho học trò là Tử Cống sang Ngô và Việt làm thuyết khách nhờ hai nước này làm áp lực bắt Tề phải rút quân. Dân Việt đã có một nền văn minh khá cao. Họ đã biết luyện kim, đúc đồng pha. Dân Việt trồng lúa nước, phát minh ra cách dẫn thủy nhập điền.

Sử ký Tư Mã Thiên viết về Câu Tiễn như sau : “Tổ tiên của Câu Tiễn thuộc dòng dõi người Việt (Yue) có tục vẽ mình, cắt tóc và những tập quán giống như người Việt ở phương Nam và Âu Việt.” Nước Việt này từ thế kỷ thứ 5 TCN, đã mở rộng lãnh thổ từ phía bắc lên đến tận Giang Tô và nam Sơn Đông.

Hai nước Ngô Việt tranh chấp, tiêu diệt lẫn nhau để rồi bị nước Sở là nước Việt đã bị Hoa hóa nuốt. Sau khi Câu Tiễn mất (465 TCN), các người kế vị không giữ nổi bờ cõi cũ. Năm 375 TCN nước Việt chỉ còn phần lãnh thổ ở vùng Chiết Giang và đến năm 334 TCN nước Việt hoàn toàn bị Sở diệt.

Nước Việt sau những biến cố này bị phân tán, các phe trong hoàng tộc đánh lẫn nhau tranh quyền, mỗi người chiếm một vùng xưng vương, xưng chúa. Họ chiếm giữ miền duyên hải phía nam Chiết Giang. Các tiểu quốc người Việt thành hình được gọi là Bách Việt. Trong các tiểu quốc Bách Việt này sử sách còn viết đến các nước chính như Đông Âu (Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông), Tây Âu (Quảng Tây), Dạ Lang (Quý Châu) Văn Lang (Bắc Việt). Trong khi dân Việt ở lại lập nên các nước Bách Việt thì cũng có một số lớn chạy đi các nơi như Nhật Bản đem theo phương thức đúc kiếm và thuật harakiri, mổ bụng, một số khác xuống nước Văn Lang đem theo thuật đúc đồng pha…

Năm 317 TCN, một phản tướng nước Ngụy là Ngô Khởi xuống đầu nước Sở thực hiện dòm ngó Bách Việt với việc ký kết hiệp ước thân hữu với các nước Việt phía nam Cối Kê. Cối Kê là kinh đô của nước Việt Câu Tiễn, dưới Cối Kê là các nước Bách Việt từ Phúc Kiến xuống vùng Ngũ Lĩnh. Nước Sở, đứa con lai của Hoa tộc, đã nuốt xong các nước Việt ở vùng Trường Giang nay lại lăm le nhìn xuống phía dưới Ngũ Lĩnh tức Vùng Lĩnh Nam. Việc Ngô Khởi dòm ngó các nước Bách Việt đã gợi ý cho Tần Thủy Hòang đánh xuống vùng Lĩnh Nam sau này.

Thế là Việt tộc bị Hoa tộc xâm chiếm lần thứ ba. Biên cương Việt tộc nay co rút lại chỉ còn vùng Lĩnh Nam và duyên hải Phúc Kiến.

BA THỤC BỊ TẦN XÂM CHIẾM.

Nước Ba và nước Thục, một lòng chảo phì nhiêu ở thượng nguồn sông Trường Giang, nay là tỉnh Tứ Xuyên thuộc dòng Âu Việt tức người Thái sinh sống tại đó, nổi tiếng với thổ sản đậu nành, họ chế biến thành nước tương, đậu hủ. Nước Thục nổi danh về nghề sơn mài. Nước Ba và nước Thục được bao phủ xung quanh những núi non hiểm trở khó có thể ở ngòai xâm nhập vào được, phía bắc có dãy Tần Lĩnh hiểm trở, muốn qua phải làm sạn đạo, phía đông có Tam Hiệp là 3 quả núi ở giáp bên sông Trường Giang đó là các núi: Cổ Đường Giáp, Vu Giáp và Tây Lăng Giáp, ghềnh thác cheo leo tàu bè không qua được. (ở chỗ này ngày nay xây một con đập rất lớn gọi là đập Tam Hiệp).

Nước Tần ở vùng Thiểm Tây đất đai khô cằn thấy Ba Thục phì nhiêu thì sinh lòng tham muốn chiếm đọat. Chúa nước Tần cho tướng Tư Mã Thác vượt ải làm sạn đạo đem quân vào chiếm Ba Thục (316 TCN).

(Họ Tư Mã này hình như là khắc tinh của nước Thục. Mấy trăm năm sau, một ông Tư Mã khác sẽ lại đánh Thục, đó là Tư Mã Ý. Về đời Hán mạt, xẩy ra giặc Hoàng Cân (Đông Di) nhân đó một số người nhảy ra xưng hùng xưng bá, rồi đi đến việc chia ba nước Tàu, đó là thời Tam Quốc. Phía bắc, vùng đất thời Chiến Quốc thuộc về Tào Tháo, gọi là nước Ngụy. Phía nam, vùng đất nước Sở và Lĩnh Nam thuộc về Tôn Quyền, gọi là nước Ngô. Phía tây, vùng đất Ba Thục, Lưu Bị được Khổng Minh Gia Cát Lượng phò vào chiếm gọi là nước Thục. Từ vùng đất Thục, Khổng Minh đem quân cố vượt các cửa ải ra chiếm Quan Trung nhưng đều bị tướng nhà Ngụy là Tư Mã Ý chặn. Đến khi Khổng Minh chết, Tư Mã Ý vào chiếm Thục, rồi đánh chiếm luôn Ngô, lại thống nhất nước Tàu, lập ra nhà Tấn.)

Vua Thục và hoàng gia bị giết. Một số người hoàng tộc, dân chúng và binh sĩ chạy thoát được xuống vùng Lĩnh Nam (Quảng Tây, Quảng Đông). Họ trở thành Khách Gia, tức Hẹ, tức Hakka. Dân Thục lưu vong này rồi sẽ có liên hệ nhiều đến nước Văn Lang. Tương truyền vua Thục là Đỗ Quyên bị tử trận hóa thành con quốc, ra rả kêu quốc quốc trông ngày phục quốc (người ta gọi chim quốc là chim đỗ quyên). Hiện nay còn một số người Hẹ thờ chim quốc như là vật Tổ.

Đây là cuộc xâm lăng của nhà Tần vào đất dân Thái tức Âu Việt để sau đó ít lâu Tần Thủy Hòang đánh chiếm các nước Hoa tộc rồi tràn xuống phía nam xâm lăng các nước Việt tộc còn lại. Ta sẽ còn thấy nhóm lưu vong nước Thục đụng độ với quân nhà Tần ở Lĩnh Nam.

NƯỚC SỞ.

Từ khi Hùng Dịch đến khai thác vùng Kinh Cức thì đất Hồ Quảng, tên của hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, trở thành trung tâm văn hóa và kinh tế của Trung Hoa. Nước Sở bị Tần diệt. Thật ra nước Sở chỉ bị diệt có cấp lãnh đạo nhưng dân chúng vẫn còn đó, mà đa số dân chúng là dân Việt có lai ít nhiều với Hoa tộc. Tần Thủy Hòang chiếm nước Sở chỉ vỏn vẹn có 21 năm thì Hạng Võ, một tướng của nước Sở và một công dân Sở khác là Lưu Bang cùng nổi lên đánh Tần rồi đánh lẫn nhau, sau cùng Lưu Bang thắng lập ra nhà Hán. Dưới đời nhà Hán, nước Tàu rộng lớn từ Đông Hải tới Tây Vực, Từ Mạc Bắc xuống tới Lĩnh Nam, nền văn minh, kinh tế phồn thịnh chưa từng có.

Nước Sở đã nuốt chửng nước Xích Quỷ, nước Sở đã chiếm Động Đình Hồ, nơi phát tích, nơi chôn nhau cắt rốn của Việt tộc. Động Đình Hồ có chu vi 450 cây số, có nơi bề rộng tới 350 cây số. Vì hồ quá rộng, lớn bằng 3,4 tỉnh của ta gộp lại nên nó mang nhiều tên như: Động Đình Hồ, Cửu Giang Hồ, Ngũ Hồ, Tràng Hồ. (Có truyền thuyết nói Phạm Lãi đốt Cô Tô đài rồi đem Tây Thi trốn Câu Tiễn tới Ngũ Hồ, tức Động Đình Hồ). Động Đình Hồ có núi Cửu Nghi cũng gọi là núi Hành Sơn cao lớn vào bậc nhất nước Tàu, có những thác cao và đẹp. Núi Hành Sơn là một trong Ngũ Nhạc tức 5 ngọn núi cao nhất nước Tàu. (Ngũ nhạc: bắc có Hằng Sơn, tây có Hoa Sơn, đông có Thái Sơn, nam có Hành Sơn, trung ương có Tung Sơn).

Nước Sở tức các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam cũng gọi là Hồ Quảng được tưới mát bằng 4 con sông lớn là Hòang Hà, Dương Tử Giang, sông Hán, sông Hoài và vô số phụ lưu vì vậy mà có nhiều hồ, đầm lầy, kinh rạch, ruộng vườn phì nhiêu, có thể nuôi cả tỷ người.

Người Hoa tuy có thiết lập nền văn minh của họ ở Hoa Bắc nhưng đó là thời kỳ khởi lập chú trọng nhiều về mặt quân sự, cướp phá hơn là về văn học. Phải đến khi nước Sở được thành lập ở vùng Kinh Cức tức vùng Kinh Man, tức Kinh Việt, có sự đóng góp của dân Việt thì nền văn minh mới thật nở rộ. Điệu hát Hồ Quảng rất được người Việt ưa thích (cải lương Hồ Quảng).

Hồ Quảng là đất của Việt tộc. Nền văn minh đó chủng Việt đã có phần đóng góp xây dựng. Những truyện thần tiên và tinh thần lãng mạn của người Tàu phát tích tại Động Đình Hồ và núi Cửu Nghi là của Việt tộc. Người Tàu Hoa Bắc tức Hoa tộc vì sống ở vùng sa mạc và băng giá nên tinh thần của họ rất thực tế, tính tình lầm lỳ không thể chế biến nổi chuyện thần tiên hay tôn giáo.

Thí dụ chuyện ông Bàn Cổ (Bangu). Người Hoa nhận ông Bàn Cổ là của họ. Trong thời kỳ Hỗn Mang, vũ trụ giống như cái trứng gà. Lúc đó trời đất chưa có. Từ trái trứng này đẻ ra ông Bàn Cổ, thường được vẽ bằng hình một người lùn hai tay cầm cái trứng hỗn mang Âm Dương. Phần nặng lắng xuống, phần nhẹ bay lên trời. Khi ông Bàn Cổ chết, những phần thân thể của ông trở thành những yếu tố thiên nhiên như đầu cho ra núi bốn phưong, mắt cho ra trời trăng, tóc thành cây cối, rận bọ chét trong mình ông thành lòai người v.v.. Nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đó là thần thoại Tạo Thiên Lập Dịa của người Mán. Ông Bàn Cổ chính thực là ông tổ của người Mán (Miêu) mà người Hoa nhận vơ là của mình. Dân ta gọi là ông Bành Tổ. “Tương truyền mồ mả của ông còn đâu đó trong miền rừng núi tỉnh Quảng Đông, ông mới được đưa vào Tàu đời Tam Quốc trong quyển “Tam ngũ lược kỷ” của Từ Chỉnh và đến đời Tống thì được đưa vào triết. Trong hòan vũ đông tây cổ kim không có hình ảnh nào về nhân chủ cao đẹp hơn hình ảnh Bàn Cổ.” (Kim Định, Hưng Việt)

Và như thế thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Kinh Dịch cần xét lại xem thật sự là của ai !


PHẦN III
LĨNH NAM: CUỘC CHIẾM ĐẤT LẦN THỨ TƯ.

Sau khi Câu Tiễn mất (465 TCN), con cháu kế vị tranh quyền lẫn nhau, các phe phái trong hoàng tộc đánh nhau để mỗi người chiếm một vùng xưng vương xưng bá. Lúc đó, nước Việt đã yếu lắm rồi, các phần đất do Câu Tiễn chiếm được đã bị Sở chiếm mất, chỉ còn lại vùng Chiết Giang. Đến năm 333 TCN, nước Việt hòan tòan bị Sở thôn tính.

Do đó dân Việt bị phân tán đi các nơi, di cư về vùng Đại Ngũ Lĩnh hay chạy qua các hải đảo, Đài Loan, đi Nhật Bản, đi Đại Hàn, xuống Hải Nam, Phi Luật Tân,Văn Lang, Chiêm Thành. Họ xuống tới tận Mã Lai, Indonesia và vượt biển tới Mã Đảo (Madagascar, Phi Châu).

Họ cũng lập quốc ở nam Chiết Giang, Phúc Kiến.Vì có rất nhiều tiểu quốc do Việt tộc thành lập nên được gọi là Bách Việt. Trong các nước Bách Việt, có mấy nước sử sách nhắc đến như Đông Âu (ở vùng Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông), Tây Âu (Quảng Tây), Dạ Lang (Quý Châu), Văn Lang (Lạc Việt, Bắc Việt). Các nước này phần nhiều đều nằm dưới Ngũ Lĩnh. Ngũ Lĩnh là dãy núi nằm chắn ngang gần như chia ba nước Tàu, từ Ba Thục ra tới Phúc Kiến. Ngũ Lĩnh gồm có năm dãy núi là Đại Dữu, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương và Yết Dương. Các nước nằm dưới Ngũ Lĩnh gọi là Lĩnh Nam.

Nước Sở vừa diệt nước Việt xong thì bị nước Tần thôn tính. Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc xong rồi mà chưa phỉ chí lại muốn thôn tính các nước Việt ở vùng Lĩnh Nam vì thấy dân Bách Việt có nhiều quý vật như sừng tê, ngà voi, lông chim trả, ngọc trai, ngọc cơ. Tần Thủy Hòang sai Đồ Thư đem năm mươi vạn quân (500.000) vượt Ngũ Lĩnh xuống đánh Bách Việt đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận rồi bắt bọn lưu vong, rể thừa, bọn lái buôn tới thực dân ở đó. Tần Thủy Hòang cố ý cấy người để đồng hóa người Việt kiểu như Nhà Chu cho Hùng Dịch vào Kinh Việt đồng hóa dân Việt ở nước Sở.

Quế Lâm nay là huyện Minh Quý thuộc tỉnh Quảng Tây, Nam Hải là tỉnh Quảng Đông, Tượng Quận thuộc tỉnh Quảng Tây. Dân Việt ở đó là dân Thái tức chi Âu của dòng Việt tộc. Ngày nay người Quảng Đông, Quảng Tây vẫn gọi hai tỉnh này là Việt Đông, Việt Tây hay Lưỡng Việt. Người Quảng cũng gọi là Việt nhân. (Từ Hải trong truyện Kiều là người Quảng Đông : “Đội trời đạp đất ở đời, họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”)

Nhưng dân Việt ở Tây Âu (Quảng Tây) có tinh thần bất khuất không chịu ách đô hộ của Hoa tộc, rút vào rừng tổ chức kháng chiến đánh cho quân Tần nhiều đòn chí tử. Tần Thủy Hòang gọi dân Việt ở đây là Lục Lương có nghĩa là dân cứng đầu. Phần đất gọi là Lục Lương đó là đất của người Choeng, tức là người Chàng, người Lang ngày nay tại tỉnh Quảng Tây và là khu tự trị dân số lên đến vài chục triệu người.

Vua đất Tây Âu là Trạch Hu Tống cầm đầu cuộc kháng chiến bị quân Tần của Đồ Thư giết. Quân Việt rút vào rừng, cứ đêm tối lại ra tập kích quân Tần. Quân Tần bị sát hại rất nhiều, chính Đồ Thư cũng bị giết. Cuộc kháng chiến kéo dài mười năm sát hại quân Tần trên hai mươi vạn ngừơi (200.000) phần bị giết, phần vì lam sơn chướng khí mà chết. Quân Tần thấy bị tổn thất quá nặng đành phải bỏ ý định thôn tính phần đất này.

Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu và đánh chiếm Lĩnh Nam, ở ngôi được 21 năm. Con là Tần Nhị Thế lên ngôi thì có loạn Trần Thắng nổi lên chống chế độ tàn bạo. Triệu Đà là một huyện lệnh ở Nam Hải lợi dụng nhà Tần có loạn tự xưng vương, đổi hai quận Quế Lâm và Nam Hải thành nước Nam Việt.

Đây là lần thứ tư Hoa tộc xâm chiếm đất của Việt tộc.

NƯỚC VĂN LANG, NƯỚC ÂU LẠC.
ĐẾ QUỐC NAM VIỆT.

Đời Hùng Vương thứ 18, nước Văn Lang bị thu hẹp chỉ còn phía bắc có Hợp Phố, Liêm Châu, Khâm Châu, phía nam giáp Lâm Ấp. Kinh đô đóng tại Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Thời nhà Đường gọi vùng đất này là Phong Châu.

Lúc đó nước Thục đã bị nước Tần Chiếm. Vua Thục bị giết, con cháu và hàng quý tộc chạy trốn vào đất Sở. Nhưng đất Sở của người Việt đã bị Hoa tộc cai trị và đồng hóa nên nhóm lưu vong Thục lại phải chạy xuống đất Lĩnh Nam. Tại đây, dân Thục vốn là chi Âu tức Thái gặp người đồng chủng chi Âu đang lập quốc ở đây nên họ dễ được cảm thông đón nhận. Tuy nhiên dân Thục lưu vong là những nhà quý tộc, binh sĩ nên không tan lõang vào dân Thái ở Lĩnh Nam. Họ sống biệt lập, dân địa phương gọi họ là Khách Gia (Hakka) còn họ tự xưng là Hẹ (Hecka). (Dân chi Âu Việt, tứcThái có làn da thật trắng, người Quảng Đông là dân Thái nên có làn da trắng. Thấy người Quảng có nước da trắng ta cứ tưởng người Tàu đều có da trắng. Thật sự không phải vậy, người Hoa chính tông ở miền Bắc có làn da ngăm ngăm đen. Ngày nay nhiều người Quảng Đông cứ tự nhận mình là người Hoa. Họ đã quên gốc Việt tộc chi Thái. Người Quảng đã có một số lai Hoa nhưng chỉ là những người ở thành phố, còn dân ở thôn quê vẫn còn giữ nguyên bản chất Thái.)

Về truyện quên gốc này, xin được kể lại câu truyện khá lý thú do cụ Hòang Văn Chí ghi lại : “Hồi Cụ Phan Bội Châu mới sang Tàu, một nhân sĩ Tàu là Dương Giác Đôn, đưa Cụ đến yết kiến một viên đại thần của triều đình Mãn Thanh, tên là Trang Uẩn Khoan. Vị đại thần tiếp đãi rất tử tế và biếu Cụ một món tiền trợ cấp. Sau khi Cụ ra về, Trang Uẩn Khoan bảo Dương Giác Đôn : “Người An Nam có bản tính nô lệ (nô lệ căn tính), dù có vài chí sĩ như ông này (chỉ Cụ Phan) cũng chẳng làm nên trò trống gì”.

Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) và sau khi nhường chức Tổng thống cho Viên Thế Khải, ông Tôn Văn (Tôn Dật Tiên) sang viếng thăm Nhật Bản, với tư cách là đảng trưởng Quốc Dân Đảng Trung Hoa, và được ông Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) đảng trưởng Quốc Dân Đảng Nhật, thết tiệc khỏan đãi. Giữa bữa tiệc, lừa khi ông Tôn Văn bất ý, ông Khuyển Dưỡng Nghị đột nhiên hỏi : “Tôi được biết tiên sinh đã có dịp qua Hà Nội, xin tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc An Nam ?” Bị hỏi một cách bất thình lình, ông Tôn Văn chỉ kịp nhớ lại câu của Trang Uẩn Khoan, vội vàng đáp : “Ngườ An Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa, họ bị người Hán chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp cai trị. Dân tộc ấy quả không có tương lai”. Được dịp, Khuyển Dưỡng Nghị liền nói : “Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với tiên sinh. Ngày nay họ thua người Pháp, vì họ không có khí giới tối tân, nhưng cứ xét lịch sử, thì trong số Bách Việt, chỉ có họ là thóat khỏi, không bị Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc biết tự bảo vệ một cách bền bỉ như vậy thì thế nào cũng sẽ lấy lại được quyền tự chủ”. Tôn Văn đỏ mặt, vì hiểu ý Khuyển Dưỡng Nghị muốn châm chọc, cho rằng Tôn Văn là người Quảng Đông, tổ tiên l người A Khách, một sắc tộc trong Bách Việt, nhưng kém xa dân tộc Việt Nam, vì đã bị Hán hóa hòan tòan.

Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị gọi giây nói mời mấy học sinh người Việt do ông bảo trợ, để kể cho họ câu truyện, tỏ ý hớn hở đã thắng Tôn Văn trong cuộc đối thọai. Trong số mấy người được Khuyển Dưỡng Nghị mời đến và thuật lại câu truyện có cụ Sở Cuồng Lê Dư, hồi ấy theo Cụ Phan sang Nhật du học. Chính cụ Sở Cuồngkể câu truyện đó cho chúng tôi nghe. (Hòang Văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng Sản)

Lưu dân Thục xuống tới Lĩnh Nam ít lâu thì quân Tần đánh xuống. Việc nhà Tần đánh Lĩnh Nam, sách Hoài Nam Tử viết như sau : “Khoảng năm 221 trước Công Nguyên, giữa lúc toàn thịnh nhà Tần, Tần Thủy Hòang dùng bọn lưu vong, rể thừa và lái buôn làm lính đánh xuống miền Nam là nơi sinh tụ của người Bách Việt. Quan Hiệu Úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền cùng Sử Lộc đào sông vận lương đi sâu vào đất Lĩnh Nam, chiếm đất Lục Lương, Quế Lâm (nay là hyuện Minh Quý tỉnh Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Đông), sau khi đã diệt được nhóm Đông Âu và Mân Việt. Đến lượt Tây Âu cũng bị xâm lăng của đạo quân viễn chinh Tần. Tù truởng Tây Âu là Dịch Hu Tống bị hại, nhưng ở đây quân Tần vấp phải sức kháng cự dẻo dai của người Tây Âu. Người Việt (Tây Âu) rút vào rừng sống cùng cầm thú và cứ đêm tối lại đem quân ra tập kích quân Tần. Cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm. Sau quân Tần chết rất nhiều, Đồ Thư bị hại, quân Tần hao tổn vài chục vạn (200.000), phần vì không chịu được lam sơn chướng khí, phần bị giết. Tần triều đành ngừng lại và thiết lập bộ máy cai trị ở các miền đất đai đã lấy được lập ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận.”

Tù trưởng Trạch Hu Tống bị quân Tần hại, dân Việt đã cử người Kiệt Tuấn lên lãnh đạo cuộc kháng chiến. Người Kiệt Tuấn được đề cử này là ai? Theo sách “Quảng Đông và Giao Châu Ngoại Vực Ký” thì đó chính là Thục An Dương Vương. Thục An Dương Vương tên là Thục Phán, một người dòng dõi vua Thục lưu vong, sử ta gọi là con vua Thục. Thục Phán lợi dụng lúc quân Tần suy vong mà sáp nhập nước Văn Lang của vua Hùng Vương thứ 18 vào Tây Âu lập ra nước Âu Lạc và xưng hiệu là An Dương Vương. (237 TCN). An Dương Vương rời đô về vùng Phúc Yên và xây thành Cổ Loa. Thục An Dương Vưong dạy cho dân Việt lấy tre làm nỏ, tên bịt đồng bắn ra nhiều phát liên tiếp (truyện nỏ thần bắn ra một phát hàng trăm mủi tên), lại biết lấy đất làm lũy làm thành ngăn giặc. Trong lúc nhà Tần đã gồm thâu 6 nước thống nhất thiên hạ Trung Hoa, dẹp bỏ mọi cơ cấu phong kiến hùng cứ địa phương để đặt thành quận huyện dưới quyền cai trị trung ương tập quyền của một ông vua là Tần Thủy Hoàng. Đối ngọai, phía bắc xây dựng Vạn Lý Trường Thành ngăn giặc Hung Nô, phía nam khuất phục các phiên bang hùng mạnh. Với sức mạnh kinh khủng, với quân số nửa triệu, Tần Thủy Hòang quyết nuốt trọn miền Lĩnh Nam. Thế mà Thục Phán dám dùng sức châu chấu đá voi chống với một đế quốc hung hãn ngăn bước tiến của đoàn quân viễn chinh Tần, tinh thần đó của Thục Phán thật đáng khen đáng phục.

Về Thục An Dương Vương có nhiều người cho rằng An Dương Vương không phải là người Thục nhất là càng không phải thuộc dòng dõi các vua Thục ở đất Ba Thục. Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược thì : “Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả lại sử lại chép rằng khi Thục vương Phán lấy được nước Văn Lang thì đổi quốc hiệu là nước Âu Lạc gồm cả nước Thục và nước Văn Lang. Song xét trong lịch sử không thấy đâu nói đất Ba Thục thuộc về Âu Lạc. Huống chi lấy địa lý mà xét thì từ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) sang đến Văn Lang (Bắc Việt) cách bao nhiêu đuờng đất và có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn Lang dễ dàng như vậy?”

Phe cho rằng Thục Phán đích thị là người đất Ba Thục lưu vong tị nạn từ Ba Thục xuống Tây Âu khi bị nhà Tần dánh chiếm, mà Thục Phán lại đích thị là con cháu thuộc dòng dõi vua Thục. Ông Bình Nguyên Lộc cho rằng :

“1- Sử Tàu có chép truyện “Con vua Thục cướp nước của vua Lạc Vương”

2- Khám phá của các nhà chủng tộc học Tây phương rằng cổ Ba Thục là dân Thái, rồi tiếp theo đó nhà bác học Trung Hoa La Hương Lâm xác nhận khám phá trên không còn chối cãi được rằng An Dương Vương là con vua Thục.

3- Tả Truyện chép rằng sau khi Tư Mã Thác diệt nước Thục thì dân Thục bỏ xứ, sang nước Ba rồi tràn vào nuớc Sở, nhưng không phải xâm lăng mà là để đi đâu nữa không biết.

4- Họ đi xuống dưới, qua Quý Châu, không ở lại Quý Châu vì đó là đất đai núi non nghèo khó, khí hậu lại xấu. Họ đi xuống đất Tây Âu là nơi mà dân chúng là Thái như họ. Như thế không quá xa như ta tưởng tượng.”

Nhóm lưu vong Thục xuống tới Tây Âu ít lâu thì nhà Tần đánh xuống Lĩnh Nam. Dân Thục bị Tần cướp nước, chạy xuống đây lại bị đuổi theo, họ liền sát cánh với dân Tây Âu chặn đánh quân Tần. Đây là dịp để dân Thục rửa hờn, đánh bọn xâm lăng đã cướp nước họ. Họ đánh rất hăng, chặn đứng mọi cuộc tấn công của quân Tần. Trạch Hu Tống, lãnh tụ kháng chiến của dân Tây Âu bị giết thì Thục Phán được đề cử lên lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cuộc kháng chiến kéo dài mười năm. Thục Phán dùng lối đánh du kích, ban ngày rút vào rừng sâu nghỉ ngơi, đêm kéo quân ra tập kích địch. Lối đánh này làm cho quân Tần hao kiệt mỏi mệt, giết chết trên hai trăm ngàn quân và chính tướng chỉ huy là Đồ Thư cũng bị giết. Tần Thủy Hòang đành bỏ ý định thôn tính Tây Âu.

Thục Phán là con của ông vua Thục lưu vong, nhân cơ hội được hưu chiến này, đã đem quân đánh Hùng Vương thứ 18, trả thù cho cha đã bị vua Hùng từ chối cuộc cầu hôn với Mỵ Nương, con gái vua Hùng. (Có lẽ truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh bắt nguồn từ cuộc cầu hôn này mà Thủy Tinh là vua Thục còn Sơn Tinh là Nguyễn Tuấn, thần núi Ba Vì). Thục Phán giết Hùng Vương thứ 18 rồi sáp nhập nước Văn Lang với Tây Âu lấy quốc hiệu là Âu Lạc lên làm vua xưng là An Dương Vương.”

Dân nước Văn Lang vốn thuộc chi Lạc của Việt tộc (AustroAsian, Nam Á) được bổ xung của dân Việt (Câu Tiễn) chạy xuống khi bị Sở Xâm lăng (chi U Việt thuộc dòng Austronesian) nay lại được chi Âu (Thái) tăng cường. Kể từ khi Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ chia tay kẻ chiếm lĩnh vùng biển, người khai thác vùng núi non, nay mới lại có dịp họp mặt. Cuộc họp mặt trong hòan cảnh đau thương của dòng tộc Việt trước cuộc xâm lăng của Hoa tộc do Tần Thủy Hoàng cầm đầu.

Khi đó ở bên Tàu, nhân lúc Tần Thủy Hoàng chết, nhiều người nổi lên chống lại chế độ hà khắc của nhà Tần. Có hai nhân vật người nước Sở đáng chú ý nhất là Hạng Võ và Lưu Bang. Hai người này đánh đổ nhà Tần rồi quay lại đánh nhau, cuối cùng Lưu Bang thắng lập nên nhà Hán.

Ở Lĩnh Nam, huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà nhân cơ hội chính quốc có loạn đã ngang nhiên xưng vương, đổi các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận làm nước Nam Việt lấy hiệu là Triệu Vũ Vương, đóng đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu, Quảng Đông).

Triệu Đà thành lập nước Nam Việt và xưng vương rồi nhưng chưa phỉ chí lại muốn lấy nước Âu Lạc của An Dương Vương. Triệu Đà kéo quân vào đất Âu Lạc tiến đánh An Dương Vương nhưng bị thất bại. Theo truyền thuyết của ta thì An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhờ thần Kim Quy giúp mới hoàn thành rồi thần lại cho cái móng chân chế thành lẫy nỏ bắn mỗi lần ra hàng trăm mủi tên khiến quân Triệu Đà chết vô sốTriệu Đà đành phải lui quân và giảng hòa với An Dương Vương, lại cho con là Trọng Thủy sang ở rể lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trọng Thủy lừa vợ đánh tráo lẫy nỏ thần rồi về báo cho Triệu Đà đem quân sang đánh. An Dương Vương đem nỏ ra bắn nhưng hết hiệu nghiệm phải đem Mỵ Châu chạy ra biển tự vận. Triệu Đà thôn tính Âu Lạc năm 207 trước Công nguyên.

Triệu Đà sáp nhập Âu Lạc vào đất Nam Việt lập thành đế quốc Nam Việt, xưng vương ngang hàng với nhà Hán. Đất Văn Lang cũ được Triệu Đà chia làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân. Giao Chỉ ở vùng Bắc Việt, Cửu Chân ở vùng Bắc Trung Việt ngày nay, Triệu Đà cử hai viên sứ thần xuống coi giữ. Có lẽ hàng quý tộc thuộc dòng Hùng Vưong và An Dương Vương vẫn giữ các quyền chức như cũ. Cụ thể là khi nhà Hán đánh chiếm Nam Việt của nhà Triệu thì một quý tộc Giao Chỉ là Tây Vu Vương định chống lại người Hán, bị viên tùy tướng người Tàu tên là Hoàng Đổng do Triệu Đà cử để giám sát, đã giết Tây Vu Vương rồi hàng nhà Hán. 

Như thế chứng tỏ Triệu Đà muốn lấy lòng dân Việt và hàng quý tộc đã giữ lại hệ thống cai trị cũ. Chính Triệu Đà cũng đã sống theo tập tục của người Lĩnh Nam. Khi sứ giả nhà Hán là Lục Giả đến thì Triệu Đà ngồi xổm mà tiếp. Nhà Hán cấm dân buôn bán các dụng cụ làm ruộng bằng sắt với Nam Việt, ngựa, bò, dê thì bán cho nhưng chỉ bán cho con đực chứ không bán cho con cái, lại lăm le đem quân đánh Nam Việt. Để đối phó, Triệu Đà bèn xưng làm Nam Việt Hoàng đế ngang hàng với vua nhà Hán rồi đem binh sang đánh Trường Sa (vùng Động Đình Hồ). Mặt khác ông dùng của cải chiêu dụ các xứ Mân Việt, Tây Âu về thần phục Nam Việt, lãnh thổ rộng lớn trở thành Đế quốc Nam Việt. Ông dùng các nghi vệ của Thiên tử, đi xe mui vàng cắm cờ tả đạo (cờ tả đạo là cờ lớn trang sức bằng lông đuôi cừu, dựng trên xe nhà vua). Nhà Hán thấy ông quá mạnh đành phải xuống nước, khuyên ông nên bỏ chức Hoàng đế, chỉ nên xưng Vương thôi : “Vậy từ Ngũ Lĩnh về nam Vương cứ việc trị lấy. Tuy vậy, Vương xưng là Đế, hai Đế cùng lập mà không có xe sứ thông hiếu, thế là tranh nhau. Tranh mà không biết nhường thì có nhân không làm. Trẫm cùng Vương đều bỏ hiềm trước, từ nay trở đi thông hiếu như xưa.” (Đại Nam Sử Ký Tòan Thư) Triệu Vũ Vương là người tài giỏi tự lập nên một đế quốc sánh ngang với nhà Hán. Nhưng khi chết đi thì con cháu hèn kém để mất nước vào nhà Hán. Triệu Đà với nước Nam Việt là một bản sao của Hùng Dịch với nước Sở, là đầu cầu để Hoa tộc bước xuống xâm lăng Việt tộc.

Triệu Vũ Vương mất, truyền ngôi cho cháu đích tôn tên Hồ là con của Trọng Thủy và Mỵ Châu, lấy hiệu Triệu Văn Vương. Văn Vương tính nhu nhược khi bị quân Mân Việt (Phúc Kiến) qua đánh, đã phải cầi cứu nhà Hán. Nhà Hán kéo quân đánh Mân Việt. Em vua Mân Việt sợ, vội cắt đầu anh dâng cho quân Hán. Qua sự kiện này nhà Hán nhận thấy nước Nam Việt đã suy nên tìm cách đánh chiếm. Để thử phản ứng của Nam Việt, nhà Hán đòi vua Triệu Văn Vương sang chầu. Văn Vương sợ sang bị giữ lại, xin xho con là Anh Tề qua làm con tin.

Kinh đô nhà Hán là Hàm Dương, gần đó có thị trấn Hàm Đan là một nơi ăn chơi nổi tiếng. Vua Hán cho Anh Tề tới Hàm Đan ăn chơi trác táng với thâm ý hủ hóa ông vua tương lai nước Nam Việt. Anh Tề dan díu với một gái điếm là Cù Thị. Sau khi về nước Nam Việt nối ngôi, Anh Tề phong cho Cù Thị làm hoàng hậu mặc dù đã có vợ trước và phong cho người con riêng với Cù Thị tên là Hưng làm thái tử. Cái họa mất nước bắt đầu từ đó.

Anh Tề lên ngôi lấy hiệu Triệu Minh Vương ở ngôi được 12 năm. Con với Cù Thị kế vị lúc còn ấu niên lấy hiệu là Triệu Ai Vương, quyền hành đều ở trong tay Cù Thị. Một người tên là An Thiếu Quý, trước là tình nhân của Củ Thị được vua Hán cho làm sứ gỉa sang dụ Cù Thị hàng nhá Hán. An Thiếu Quý ra vào cung cấm tư thông với Cù Thị. Thái Phó Lữ Gia thấy truyện ngang trái và họa mất nước nên đem quân vào giết Cù Thị và An Thiếu Quý rồi lập con trưởng của Triệu Minh Vương lên ngôi hiệu là Triệu Dương Vương.

Cuộc đảo chánh vừa xong thì Lộ Bác Đức đem quân nhà Hán chia làm 5 đạo quân đánh chiếm Nam Việt. Triệu Dương Vương và Lữ Gia bị bắt và bị giết. Lộ Bác Đức diệt Nam Việt rồi chia ra quận huyện cai trị, Giao Chỉ và Cửu Chân cũng bị nhà Hán cai trị từ đó. Tên Nam Việt của Triệu Đà đặt cho các nước thuộc Lĩnh Nam sẽ còn gây nhiều rắc rối giữa ta và Trung Hoa. 

Lộ Bác Đức diệt Nam Việt thì nước Âu Lạc tức Văn Lang và Tây Âu cũ cũng bị rơi vào ách đô hộ của nhà Hán. Đó là Lần Thứ Năm (5) dòng Việt Tộc bị Hoa tộc xâm chiếm.

Nước Việt Nam tức Văn Lang bị Hoa tộc đô hộ dài trên 11 thế kỷ. Mãi đến năm 939 sau Công Nguyên mới dành được độc lập. Các dân tộc Mãn, Hồi, Mông, Tạng, có lúc các dân tộc này đã xâm lăng, cai trị nước Tàu nhưng rồi cũng bị cuốn hút vào cái khối Hoa tộc đó để trở thành người Tàu và cho đến nay chưa có dân tộc nào thóat ra khỏi cái khối gọi là Hán, thực ra là Hoa tộc đó.

Viết về thời nhà Triệu, sử thần Ngô Thời Sĩ than : “…Từ thời nhà Triệu đến nay chưa bao giờ có thể thu trọn được đất Ngũ Lĩnh, nhìn thẳng tận mặt để tranh với Trung Nguyên thì là chuyện còn phải đợi đến những tay thánh hiền ở sau này..” Triết gia Kim Định, nhận định : “…chỉ còn lại một số nhỏ duy trì óc bất khuất lại nhờ chiếm được chút đất để phát triển nên giữ lại tên Việt và gọi là Việt Nam, ngầm hiểu rằng còn Bắc Việt tức là toàn thể Trung Hoa cổ đại, hay ít ra là miền gồm Trường Giang thất tỉnh hay cùng lắm là Việt Giang ngũ tỉnh sẽ có ngày đòi lại. Nhưng hiện nay vì thế chính trị yếu nên âm thầm chịu vậy và chỉ còn ra mắt có ở phần Nam Việt nhỏ xíu. Đó là lý do rất thâm sâu ít ai nhìn thấy…”

Người anh hùng mà Ngô Thời Sĩ gọi là Thánh hiền dám nhìn thẳng mặt để tranh với Trung Nguyên, người đó là vua Quang Trung. Sau khi đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi, vua Quang Trung nuôi chí rèn luyện quân sĩ đánh qua Lưỡng Quảng lấy lại đất nước Nam Việt cũ. Để làm suy yếu nhà Thanh vua Quang Trung đã cung cấp mọi trang bị cũng như phong tước cho đám cướp biển Trung Hoa, lợi dụng đảng Thiên Địa Hội quấy rối nội địa, chuẩn bị cho việc phối hợp tấn công nhà Thanh. Thăm dò phản ứng nhà Thanh, vua Quang Trung gởi thư lên vua Càn Long xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm nơi đóng đô và xin cưới công chúa Thanh. Việc xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thì Càn Long ưng cho tỉnh Quảng Tây để đóng đô còn việc cưới công chú thì Càn Long cũng ưng và định ngày cưới. Xem như thế ta đủ biết nhà Thanh phải nhượng bộ đến thế nào. Tiếc rằng vua Quang Trung đã chết quá sớm chưa thực hiện được giấc mộng của dân tộc. (Có thuyết nói sứ thần qua đưa thơ yêu sách đòi Lưỡng Quảng và xin cưới Công chúa Thanh, nhưng sau đó nghe tin vua Quang Trung băng hà nên ém các văn kiện đó đi)

Về việc vua Nguyễn Huệ lấy hiệu Quang Trung, triết gia Kim Định có nhận định như sau : “Có truyền thuyết cho rằng tên hiệu Si Vưu chính trước là Trung Quang, nhưng Hiên Viên đã đổi đi bằng thêm chữ Sơn lên đầu và còng chân lại nên Trung hóa ra Si (ngốc) còn Quang bớt nét đi cho ra Vưu là oán hờn. Theo thuyết đó thì vua Nguyễn Huệ lấy hiệu là Quang Trung để nhớ lại một tị tổ xưa và lấy cờ Si Vưu nền đỏ có miếng tròn màu vàng ở giữa.” Chỗ khác, nói về Si Vưu, cụ viết : “Ly Long được sách gọi là rồng vàng không có ngà. Tổ tiên ta quen chạm trên đầu cột nhà và gọi là Ly đầu và Ly là tên của “Ly Vưu” mà người Tàu đọc là Si Vưu. Không hiểu tại sao đọc như vậy trái cả với luật hài thanh là chữ ly. Ly Vưu là Rồng cao cả phi thường (đàn bà cực đẹp gọi là vưu vật) thế mà đọc Si Vưu thì ra ngu xuẩn cùng cực. Có thể vì Ly Vưu chống Hiên Viên (Hoàng Đế) nên tâm lý chiến của Hiên Viên gọi thế để hạ nhục, người sau không hay nên cứ đọc Si Vưu. Các cụ nhà ta thấy ngượng ngượng sao đó nên đọc là Suy Vưu” (Kim Định, Hưng Việt)

– Khi Vua Gia Long lên ngôi, sai sứ qua nhà Thanh xin phong với quốc hiệu là Nam Việt. Vua Càn Long nhà Thanh cho rằng lấy tên Nam Việt, vua nước Nam ngầm ý đòi lại đất Nam Việt cũ nên không chịu. Càn Long có ý định phong cho Gia Long chức “An Nam Quốc Vương”. Vua Gia Long không chịu nói là sẽ không nhận sắc phong. Sau nhiều lần sứ qua sứ lại, vua Gia Long nhận tên nước là Việt Nam. Khối Việt tộc lớn lao nay chỉ còn có nước Việt Nam nhỏ xíu !

ĐÀI LOAN

Những đợt chạy loạn do việc Hoa tộc cướp đất từ thời Hiên Viên dánh Xuy Vưu đến nước U Việt bị nước Sở chiếm, hẳn có những lớp Việt tộc chạy qua Đài Loan. Những lớp người này trở thành thổ dân của hải đảo này. Theo truyền thuyết thì Tần Thủy Hoàng cho rằng ngoài Biển Đông là nơi thần tiên ở luyện đan dược trường sinh nên sai Từ Phác đem một số người vượt biển tìm thuốc. Họ lênh đênh nhiều ngày tháng trên biển cả mới tới một hải đảo, Đảo Châu, chẳng thấy tiên thánh, thuốc thang gì lại bị dân đảo đánh giết. Phần bị chết vì bị giết, phần bị bệnh tật mà chết, số người còn lại không dám về vì không lấy được thuốc, về cũng chết nên họ ở lại đảo sống với thổ dân. Có lẽ Đảo Châu là Đài Loan.

Đến đời Tam Quốc, Ngô Tôn Quyền (năm 230) nghe nói ngoài biển Đông có một nơi gọi là Châu Di (ý nói châu đó có người Di làm chủ quyền) đất đai màu mở có nhiều hải sản. Tôn Quyền sai người đóng thuyền và phái hơn một vạn người dưới quyền của Vệ Ôn và Gia Cát Trực ra chinh phục khai phá đảo. Quân của Vệ Ôn lênh đênh nhiều ngày mới tới đảo. Họ vừa bước chân lên đảo liền bị dân hải đảo chận đánh. Dân đó sử Tàu gọi là dân Cao Sơn, thật ra đó là người Việt tộc thuộc nhóm Bộc Việt, tức Lạc Việt. Cuộc chiến cầm cự lâu ngày khiến cho quân Ngô bị tổn hại rất nặng nề, chết đến tám chín phần mười, phần chết vì bị giết phần vì bệnh tật thời khí. Cuối cùng quân Ngô do Ôn cầm đầu còn sống sót vài ngàn người đành phải rút khỏi đảo bắt đem theo một số dân đảo. Đó là lần đầu Hoa lục xâm lăng Đảo Châu tức Đài Loan bị thất bại.

Đài Loan trở thành căn cứ địa của các toán cướp biển hoành hành nhất là vào đời nhà Minh và nhà Thanh. Đám cướp biển (hải tặc) dữ dội nhất xuất phát từ Nhật Bản, người Tàu gọi họ là Nụy Khấu (giặc lùn). Từ Hải trong truyện Kiều, người Việt Đông ở trong đám cướp biển đó, đánh phá 5 huyện vùng Mân Triết (Phúc Kiến, Triết Giang). Sử Tàu nói bọn này được vua Quang Trung Việt Nam giúp sức, cấp võ khí và phong chức tước để họ quấy phá nhà Thanh.

Đài Loan được người Bồ Đào Nha đặt tên là Ilha Formosa vì họ khám phá thấy đảo đẹp đẽ, khí hậu mát mẻ. Đời nhà Minh, Lâm Đạo Càn chiếm lĩnh đảo, nhưng bị người Lưu Cầu (Okinawa) đuổi mà cướp lấy rồi người Nhật Bản lại đến đuổi người Lưu Cầu mà kinh doanh. Năm 1623, đời nhà Minh, người Hòa Lan chiếm đảo Bành Hồ rồi chiếm luôn Đài Loan. Còn Tây Ban Nha thì chiếm đảo Lữ Tống, mở cuộc tàn sát Hoa kiều 18 ngày liên tiếp, máu chảy thành sông. Chống cự lại với người Hòa Lan và người Tây Ban Nha không phải là triều đình nhà Minh mà là các tướng cướp biển như Lâm Phượng, Trịnh Chi Long. Lâm Phượng (tây gọi là Li Ma Hong) là một thiên tài, đánh thắng quân Tây Ban Nha nhiều trận, làm họ phải kiêng nể.

Năm 1644, quân Thanh vào Bắc Kinh. Bọn tôn thất nhà Minh chạy về Nam Kinh. Tướng cướp biển Trịnh Chi Long quy hàng nhà Minh. Con là Trịnh Thành Công (có tên Nhật là Koxinga vì mẹ là người Nhật), thấy nhà Minh bị quân Thanh đánh mất hết đất, đến Vân Nam cũng bị Ngô Tam Quế chiếm, nên năm 1661, dồn hết binh lực đánh đuổi người Hòa Lan, chiếm Đài Loan làm căn cứ kháng chiến. Chí chưa toại thì Thành Công chết (1662). Con là Kinh lên thế cha, đem binh hợp với Cảnh Kế Mậu (phiên trấn Phúc Kiến) đánh quân Thanh chiếm được đất Chương Tuyền, Triều Châu (thuộc Quảng Đông), sau lại thua phải trở về Đài Loan. Kinh mất, con là Khắc Tàng lên thế, Khắc Tàng là người hiền tài, bọn bề tôi tiểu nhân sợ Tàng, xúi bà mẹ giết đi mà lập Khắc Sản lên ngôi. Trịnh Khắc Sản còn nhỏ, hèn kém không coi được việc nước, nhân đó có nội loạn. Triều đình nhà Thanh nhân cơ hội đánh lấy Đài Loan (1683), đặt thành phủ huyện, thuộc tỉnh Phước Kiến.

Sau chiến tranh Trung-Nhật đời vua Quang Tự, nhà Thanh phải nhượng cho Nhật đảo Bành Hồ, Đài Loan và các đảo phụ thuộc (Hòa ước Mã Quan, Simonoseki, ký năm 1895). Năm 1945 Nhật thua trận phải ký hòa ước trả Đài Loan lại cho Trung Hoa. Năm 1949, Mao Trạch Đông chiếm tòan nước Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài loan. Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cũng như Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản, cả hai chống đối tiêu diệt lẫn nhau nhưng cả hai đều có một quan niệm coi Đài Loan là một phần của Trung Hoa. Quốc Dân Đảng sẽ từ Đài Loan về chiếm lại lục địa. Đảng Cộng Sản sẽ chiếm Đài Loan sáp nhập vào Trung Hoa. Bởi vậy Quốc Dân Đảng luôn luôn chống đối khuynh hướng độc lập của dân Đài Loan.

Còn dân Đài Loan là dân Việt (Cửu Lê, Bách Bộc, U Việt) muốn được độc lập, tách khỏi lục địa Trung Hoa. Tổng Thống Trần Thủy Biển thuộc lớp người Đài Loan thổ sanh, Việt tộc, đại diện cho khuynh hướng độc lập đó. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Việt tộc Đài Loan đứng lên dành độc lập, thoát khỏi ách thống trị Hoa tộc. Kể từ khi Tần Thủy Hòang đánh chiếm Lĩnh Nam, các nước Việt nhiều lần nổi lên chống quân Hoa tộc xâm lăng, người Việt ở Lưỡng Quảng, ở Phước Kiến cũng như các nước Mân, Ngô Việt đều có ước vọng thu hồi độc lập nhưng chỉ có Việt Nam là thành công trong việc dành độc lập.

HẢI NAM

Lộ Bác Đức đánh chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà nhưng không chiếm được đảo Hải Nam. Vào khỏang 50 năm sau nhà Hán mới cho quân ra chiếm và đặt ra hai quận là Châu Nhai và Đạm Nhĩ. Quan lại nhà Hán không trấn nổi dân Hải Nam. Dân Lê luôn luôn nổi dậy chống đối. Quan quân nhà Hán phần bất phục thủy thổ, đau bệnh liên miên, phần bị dân nổi dậy đánh giết. Đặt binh ít thì không đủ đàn áp, mà đặt nhiều thì tổn phí nặng nề. Cuối cùng đành phải rút khỏi Hải Nam vì theo như Giả Quyên Chi khuyên vua Nguyên Đế nhà Hán thì : “Dân ấy mọi rợ, uống bằng mũi (tỵ ẩm), căng tai (đạm nhĩ), lấy sắc đen làm đẹp (Sở từ gọi Hải Nam là Huyền Quốc), trai gái tắm chung một dòng sông, không biết lễ nghĩa gì, đâu có đáng cho thánh triều giáo hóa!” Đúng là lý lẽ kẻ cướp, không bắt được tha làm phúc!

Ông Lãng Hồ trích một đoạn của ông Tề Tân viết về Hải Nam như sau : “Hải Nam tức Châu Nhai, Đạm Nhĩ đời Hán vậy. Vua Vũ Đế bình xong Nam Việt, sai sứ xuất phát ở Từ Văn (nay là Lôi Châu, Từ Văn huyện), vượt biển sang chiếm cứ đất của địch quân, đặt ra hai quận, Chu Nhai, Đạm Nhĩ. Chiêu Đế (86-73 TCN) phế bỏ Đạm Nhĩ, sáp nhập vào quận Chu Nhai. Nguyên Đế chiếu theo lời tấu nghị của Giả Quyên Chi bãi bỏ Chu Nhai, mãi tới đời Lương (502-527 sau Công Nguyên) và đời Tùy 589-618) mới đặt lại. Đời Đường, Trinh Quan nguyên niên, lại chia ra làm ba châu, Nhai, Đạm và Chấn, thuộc Lĩnh Nam. Đến năm thứ năm (631) Quỳnh Sơn và Châu Nhai được đặt thành quân khu và Vạn An huyện được đặt thành châu, nay là quân khu Vạn An, còn Đạm và Chấn, thời đó cũng như nay, trở thành quân khu Cát Dương và quân khu Xương Hóa. Năm thứ năm, niên hiệu Trinh Nguyên 789, Quỳnh Sơn được đặt làm Đốc phủ cho tới nay.” (Lãng Hồ, Sử Địa, Đặc Khảo Vể Hoàng Sa và Trường Sa)

Như vậy, Hải Nam bị Hán Vũ Đế chiếm nhưng luôn bị dân Lê Hải Nam chống đối đánh phá quân Hán, đến đời Hán Chiêu Đế phải rút quân khỏi Hải Nam, tức Hải Nam chỉ bị chiếm có khỏang 40 năm thì lấy lại được quyền tự chủ. Mãi cho đến đời Lương, đời Tùy mới lại bị đánh chiếm, nghĩa là sau khi nhà Hán rút khỏi Hải Nam thì phải 500 năm sau Hải Nam mới bị quân Tàu chiếm. Dân Hải Nam lại nổi lên kháng chiến khiến người Tàu phải dùng võ lực, đặt thành các quân khu để cai trị.

Tuy bọn xâm lược Trung Hoa đã phải đặt thành quân khu mà cai trị, nhưng dân Hải Nam vẫn luôn luôn tỏ ra bất phục. “ Cho mãi đến năm 1881-1884, dân Lê, dân Miêu vẫn còn đánh nhau kịch liệt với quân đội Thanh triều. Năm 1898, Pháp thuê được đất Quảng Châu Loan, tha hồ buôn lậu. Có lợi quá nhiều rồi lại sinh lòng tham và hối hận sao không thừa cơ hội dân Lê quật khởi mà chiếm luôn Hải Nam làm bình phong bảo vệ Đông Dương thì có phải tiện hơn không ? (Lam Giang, Sử Địa, Đặc Khảo Về Hoàng Sa và Trường Sa)

Dân Hải Nam thuộc dòng Việt tộc, chi Lạc Lê. Dân Văn Lang thuộc chi Lạc Việt và dân Chiêm Thành thuộc chi Lạc Lồi. Như thế dân Hải Nam và dân Việt Nam vốn cùng một ngành Lạc.

“ Thủy Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên, tả thổ trước Hải Nam giống hệt dân Nhật Nam (Chàm)…Nay chúng tôi học ngôn ngữ của người Lê Hải Nam thì thấy họ giống hệt người Mân. Mặt khác chúng tôi còn chứng minh rằng cổ thời Nhật Nam tuy là đất của ta, nhưng dân thì khác, đó là dân Lạc Lồi, Mã Lai đợt II.

Vậy hồi cổ thời Mân và Chàm đồng ngôn ngữ với nhau và hẳn cuộc hợp chủng giữa Mân đang bị Hoa hóa và Chàm phải lớn lao lắm.

…Thế nên người Tàu di cư đi các xứ Mã Lai, đa số là người Phước Kiến. Có thể nói Tân Gia Ba là một quốc gia Phước Kiến.

Người Chàm tuy theo văn minh Ấn, nhưng lại thân thuộc với người Tàu hơn. Sử của họ và sử của ta đều chép rằng năm 981 một người Việt kiều ở đất Chàm tên là Lưu Kỳ Tông, nổi lọan cướp ngôi vua Chàm rồi cai trị rất hà khắc, vì thế mà có rất đông người Chàm bỏ nước sang Quảng Đông và Hải Nam….Ở Quảng Đông có vùng Hợp Phố , Đông Hưng Móng Cái thì dân là Lạc Lê nói y như Hải Nam, tức y như Chàm. (Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam) 

Hải Nam có dân Lê thì ở tỉnh Thanh Hóa cũng có dân Lê, Vua Lê Lợi là người Mường có cùng gốc với dân Lê Hải Nam. Năm 1905, E. Brerault khảo sát về đảo Hải Nam thấy có người Việt Nam ở bờ biển phía Nam. Đây là người Lê ở duyên hải. Một dấu chỉ đặc biệt của dân Lê Hải Nam là đạm nhĩ, căng tai thì các dân tộc ở Cao nguyên Trung phần cũng căng tai. Điều đó càng chứng tỏ người Lê Hải Nam và người Lê Việt Nam có sự liên hệ rất mật thiết.Người Tàu chia người Lê Hải Nam làm hai loại, một thứ người Lê đã tiếp súc và sống theo văn minh Tàu, đó là Thục Lê (Lê Chín). Còn thứ người Lê sống cách biệt, giữ sắc thái riêng biệt của chủng tộc, đó là người Sinh Lê (Lê Sống).

Từ thuở hồng hoang tối cổ, Việt tộc đã làm chủ Hoa lục, nhưng kể từ khi Hiên Viên ở sa mạc tây bắc vào đánh bại Xuy Vưu thì Việt tộc cứ phải lui dần từ Hòang Hà xuống Trường Giang rồi Lĩnh Nam rồi thì mất hết đất cho Hoa tộc! “Xưa kia Bách Việt có đến 70% dân số ở nước Tàu mà nay thì không còn tên Việt nào, đang khi ấy thì các tộc Hán, Mãn, Tạng, Mông, Hồi chẳng có được bao nhiêu người thì lại được đề cao.” (Kim Định, sđd)

Ngày nay, nước Tàu của Mao Trạch Đông được gọi chính thức là Trung Quốc mà không gọi là Trung Hoa như trước nữa vì họ đang cố quên đi, dấu đi cái chủng Hoa thống trị đó để các chủng khác như Hồi Tạng Mãn Mông khỏi bị chạm tự ái dân tộc mà khởi lọan. Họ đưa ra cái chủng Hán mơ hồ vì không có một chủng nào gọi là Hán mà Hán chỉ là tên một vương triều nhà Hán của Lưu Bang mà thôi. Thật ra cái chủng Hán đó chỉ là người Hoa gốc Việt đã góp phần lớn cho văn minh Tàu. Họ đang cố ru ngủ Việt tộc bị Hoa hóa trong mộng phồn vinh, trong hãnh diện dân một nước lớn để quên đi cái nhục mất nước, quên đi sự phục quốc, lấy lại đất đai cho giống nòi.

Cửu Lê, Bách Bộc, Bách Việt, Âu Việt, trăm con nay còn lại được bao nhiêu con không bị Hoa tộc thống trị ?


PHẦN IV
BIÊN GIỚI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI:
VĂN LANG, BẮC THUỘC VÀ TỰ CHỦ.
THỜI VĂN LANG VÀ BẮC THUỘC.

Lê Quý Đôn trong Vân Đài Lọai Ngữ viết về Cương vực lãnh thổ Văn Lang như sau : “Sử thần Ngô Sĩ Liên làm sách Ngoại Kỷ có chép: “Hùng Vương dựng nước gọi là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đất nước Văn Lang, Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, phía Bắc đền hồ Động Đình, phía Nam đến nước Hồ Tôn. Cả nước chia làm 15 bộ :

1- Giao Chỉ ( Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình )

2- Chu Diên ( Sơn Tây, vùng núi Ba Vì )

3- Vũ Ninh ( Bắc Ninh )

4- Phúc Lộc ( Miền Đồng Bằng )

5- Việt Thường ( Quảng Bình, Quảng Trị )

6- Ninh Hải ( Quảng Yên và một phần Quảng Đông )

7- Dương Tuyền ( Hải Dương )

8- Lục Hải ( Lạng Sơn và một phần Quảng Tây )

9- Vũ Định ( Thái Nguyên và một phần đất Hoa Nam )

10- Hoài Hoan ( Nghệ An, Hà Tỉnh )

11- Cửu Chân ( Thanh Hóa )

12- Bình Văn ( ? )

13- Tân Hưng ( Hưng Hóa, Tuyên Quang )

14- Cửu Đức ( Lưu vực sông Đà )

15- Văn Lang ( Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên )

Theo đọan sử trên thì nước Văn Lang chia làm 15 bộ trong đó có bộ thứ 6 Ninh Hải là Quảng Yên và một phần Quảng Đông là châu Liêm, châu khâm, Hợp Phố, nay không đòi lại được nữa.

Bộ thứ 8 Lục Hải là Lạng Sơn với một phần tỉnh Quảng Tây đó là vùng Nam Ninh mà có lần Lỳ Thường Kiệt đánh qua.

Bộ thứ 9 Vũ Định là Thái Nguyên và một phần đất Hoa Nam. Phần đất Hoa Nam này có lẽ ăn lên đến Quý Châu. Các phần đất ấy nay đều không đòi lại được nữa.

Nhưng 15 Bộ của nước Văn Lang nói trên chỉ là nước Văn Lang bị thu hẹp lại vào cuối thời các Hùng Vương. Thật sự nước Văn Lang lớn hơn nhiều.

Nước Văn Lang nguyên thủy là nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương truyền lại cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân truyền ngôi cho Hùng Vương thì cũng giao luôn nước Xích Quỷ. Hùng Vương đổi tên nước Xích Quỷ ra Văn Lang.

Nước Xích Quỷ ở đâu ? 

Truyện Hồng Bàng viết : “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi rồi đi Nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân, cai trị Phương Bắc; phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị Phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” (Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, bản dịch Lê Hữu Mục, Huế 1960)

Đoạn trên cho ta thấy Lộc Tục được Đế Minh cho làm vua nước Xích Quỷ ở Phương Nam còn anh cùng cha khác mẹ Đế Nghi làm vua Phương Bắc. Phương Bắc ở vùng sông Hoàng Hà. Phương Nam ở vùng sông Trường Giang. Tên hiệu của Lộc Tục là Kinh Dương Vương nói lên Lộc Tục làm vua đất châu Kinh, châu Dương. Như thế nước Xích Quỷ ở vùng Trường Giang đúng với cương vực nước Văn Lang Bắc giáp Động Đình Hồ, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Nam Hải, Nam giáp Hồ Tôn. Nước Văn Lang bao gồm Trường Giang thất tỉnh ( bảy tỉnh vùng Trường Giang là Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang) và Lĩnh Nam ngũ tỉnh ( năm tỉnh vùng Lĩnh Nam là Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến) của nước Tàu ngày nay.

“Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế minh Nam tuần gặp tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà Nam tuần qua nước Xích Quỷ.” (Lĩnh Nam Chích Quái, sđd.) 

Thế là Đế Lai nổi máu giang hồ, bắt chước ông nội Đế Minh xuống phương Nam tìm tiên nữ, (chắc lại xuống vùng Ngũ Lĩnh là đất của Âu Việt, con gái Thái trắng đẹp nổi tiếng như tiên nữ). Không thấy nói Đế Lai có truyền ngôi cho con là Đế Ly chưa mà chỉ nói giao quyền bính cho Xi Vưu. Lúc đó Hoa tộc đã vượt sa mạc qua ngã Cam Túc vào Quan Trung rồi xâm chiếm đất Việt tộc.

“Hoa tộc dưới quyền điều động của HiênViên, tiến đánh Xi Vưu ba lần, trong đó có trận Trác Lộc (một địa điểm bên bờ sông Hoàng Hà). Trong quyển “Kỳ Môn Độn Giáp Toàn Thư” còn câu hát : “Ngày xưa Hoàng Đế đánh Xi Vưu, cuộc chiến ở Trác Lộc đến nay tưởng như chưa dứt : Tích nhật Hoàng Đế chiến Xi Vưu Trác Lộc kinh kim vi nhược hưu”. Từ khi Xi Vưu tử trận thì Hoa tộc chiếm 6 tỉnh lưu vực sông Hoàng Hà để lập quốc. Hiên Viên nhờ vậy được công kênh lên làm tông tù trưởng và xưng hiệu Hoàng Đế.” (Kim Định, Việt Lý Tố Nguyên)

Tại sao Hoa tộc thắng Việt tộc, cụ Kim Định nhận định :

“1- Việt tộc ở rải rác khắp 18 tỉnh nước Tàu nên dân cư thưa thớt không

thể chống cự đoàn người du mục kết thành một đạo quân hùng mạnh.

2- Việt tộc lúc đó còn ở trong tình trạng thị tộc hay bộ lạc, chưa đạt ý thức quốc gia nên thường hay xung đột lẫn nhau, bởi vậy cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.

3- Vì Việt tộc đã đạt định cư nông nghiệp sớm hơn nên Văn cao hơn mà Võ kém….tự cổ chí kim chiến đấu lực của những dân du mục bao giờ cũng vẫn cao hơn dân tộc nông nghiệp. Hồi đó Hoa tộc còn sống du mục, những năm đồng khô cỏ héo họ thường lấy sự cướp bóc làm sinh họat; còn Việt tộc đã định cư có của tư hữu nên người đâm ra nhút nhát hiếu hòa. Vì một hay tất cả những lý do trên mà Hoa tộc du mục đã thắng Việt tộc nông nghiệp, một việc sẽ còn lập lại nhiều lần về sau trong lịch sử.” (Kim Định, sđd)

Tòan thể nước Tàu ngày xưa thuộc họ Thần Nông cai trị. Đến đời Đế Minh mới chia làm hai, cho con trưởng là Đế Lai làm vua Phương Bắc và Lộc Tục làm vua Phương Nam. Phương Bắc là lưu vực sông Hoàng Hà, Phương Nam là lưu vực sông Trường Giang. Đến khi Hiên Viên đánh Xi Vưu chiếm lưu vực Hoàng Hà thì Phương Bắc thuộc về Hoa tộc.

Vậy thì Phục Hy, Thần Nông là Tổ của Việt tộc. Hoa tộc vốn là thứ lai căn chẳng có gốc có tổ nên đã nhận vơ thần Nông là tổ của họ. Đó chỉ là cả vú lấp miệng em, cũng như ông Bàn Cổ là thần thọai của dân Mán cũng nhận là của họ, khi người ta thắng thì muốn nói gì cũng được.

Thần Thoại Mán về ông Bàn Cổ :

Ngày xưa, thuở chưa có trời đất, chưa có mặt trời, mặt trăng soi sáng đất và nước, đầu tiên chỉ có Nhiêu Vương (tức Ngọc Hoàng) và Bàn Cổ, Bàn Cổ thành hình một lượt với Nhiêu Vương.

Nhiêu Vương có ba trăm sáu con mắt, Bàn Cổ có ba trăm sáu thân hình. Con mắt bên trái của Nhiêu Vương sinh ra Mặt Trời (Dương), con mắt bên phải sinh ra Mặt Trăng (Âm), đầu làm thành trời, chân làm thành đất. Còn lòai người thì do tâm của Bàn Cổ mà sinh ra, trong đó có Bàn Vũ…”(Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư)

Trở lại vấn đề lãnh thổ Văn Lang thời Lạc Long Quân truyền ngôi cho Hùng Vương. Vua Hùng Vương tiếp nhận nước Xích Quỷ rồi đổi tên nước là Văn Lang. “Chia nước làm 15 bộ là : Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hòai Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quang (Quan) Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.” (Lĩnh Nam Chích Quái, sđd)

Theo đó, vua Hùng Vương chia nước làm 15 bộ rồi chia cho các em phân trị và đặt các quan văn võ trị nước. Con trai gọi là Quang Lang, cho đến ngày nay, những họ quý tộc người Tày ở Thanh Hóa đều gọi là Lang. Dân tộc Choeng ở Quảng Tây là người Lang. Chắc họ Lang này có liên hệ đến dòng dõi Lang, con Hùng Vương. Dòng dõi Hùng Vương có họ Lang đời đời cha truyền con nối gọi là Tạo (Phú Tạo) mà Lĩnh Nam Chích Quái gọi là Phụ Đạo, còn dân gian gọi là Lang Đạo.(tước vị của quý tộc như người Anh gọi Lord, người Pháp gọi Seigneur, người Lào gọi là Thao.)

Như thế nước Văn Lang, hậu thân của Xích Quỷ dưới quyền cai trị của Hùng Vương, chia làm 15 bộ giao cho các em trông coi. Đến khi nước Văn Lang bị thu hẹp lại thì các vua Hùng vẫn nhớ tên 15 bộ hồi còn cực thịnh ở vùng Trường Giang mà gọi các bộ ở vùng đất sông Hồng.

Tại sao lãnh thổ Văn Lang bị thu hẹp lại ? Hiển nhiên là do các cuộc xâm lăng bành trướng của Hoa tộc. Cuộc xâm lăng đầu tiên được sử sách nói đến là do Cao Tông nhà Ân vào đời Hùng Vương thứ sáu. (Chu Dịch, quẻ Ký Tế, hào Cửu tam viết : Cao Tông phạt Quỷ Phương tam niên..) Sử ta ghi đời Hùng Vương thứ sáu Cao Tông nhà Ân xâm phạm đất Văn Lang bị Phù Đổng Thiên Vương đánh bại. Đất Quỷ Phương mà Ân Cao Tông xâm lăng là vùng Kinh, Dương nước Xích Quỷ đổi thành Văn Lang. “ Kinh là nước Sở sau này, còn Dương là miền sông Hoài, Châu Từ, U Việt v.v.. Chính ở vùng này mà có truyện vua Ân kéo quân xâm lăng, bị Thánh Gióng đánh phải chôn xác lại trên đất Việt, có nói trong Kinh Thư, mà các sử gia người Tàu có ý dập bớt đi.” Kim Định, Hưng Việt)

Thấy việc đem quân đánh chiếm không thành công, Hoa tộc đã dùng lối xâm thực dần dần không gây chấn động, đó là cho dân đi khai phá từ từ, chiếm đất một cách nhẹ nhàng, đồng hóa dân Việt rồi đặt bộ máy cai trị với lính tráng trấn đóng. Thế là dân Việt mất đất. Hùng Dịch với nước Sở là điển hình cho lối tằm ăn dâu, xâm thực độc ác đó. Cứ thế các bộ của nước Văn Lang mất dần, cho đến đời Câu Tiễn của nước U Việt thì vùng Trường Giang mất hết. Nước Văn Lang rút về vùng Sông Hồng với 15 bộ thu hẹp.

Đến đời Hùng Vương thứ 18, nước Văn Lang mất vào tay Thục Phán An Dương Vương thành lập nước Âu Lạc. Rồi Âu Lạc bị sáp nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà. Triệu Đà, một viên tướng người Hoa do Tần Thủy Hoàng sai xuống làm huyện lệnh. Cũng giống như Hùng Dịch nước Sở, nước Nam Việt của Triệu Đà cũng bị Hoa tộc thôn tính. Thế là nước Văn Lang mất, Việt tộc bị Hoa tộc đô hộ suốt ngàn năm mới dành lại được tự chủ.

THỜI BẮC THUỘC.

Cũng theo Lê Quý Đôn thì Hán Vũ Đế diệt nhà Triệu của nước Nam Việt rồi chia làm 9 quận như sau :

1- Nam Hải

2- Uất Lâm

3- Hợp Phố

4- Thương Ngô

5- Giao Chỉ

6- Cửu Chân

7- Nhật Nam

8- Châu Nhai

9- Đạm Nhĩ

Về sau nước Việt Nam ta dựng nước chỉ còn 3 quận : Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Còn 6 quận kia hãm cả vào Trung Quốc, không lấy lại được !” (Lê Quý Đôn, Vân Đài Lọai Ngữ,)

Sau Hai Bà Trưng khởi nghĩa bị Mã Viện đánh dẹp thì nhà Hán đặt ra bộ phận Giao Châu, gồm 7 quận :

1- Nam Hải

2- Thương Ngô

3- Uất Lâm

4- Hợp Phố. Bốn quận này về sau thuộc bờ cõi Bắc Triều.

5- Giao Chỉ

6- Củu Chân

7- Nhật Nam. Ba quận này là nước Việt Nam ngày nay.

Còn hai quận Châu Nhai và Ðạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam theo Hai Bà trưng khởi nghĩa, nhà Hán không đánh dẹp được nên không kể vào nữa.

Đến đời Tam Quốc, Ngô Tôn Quyền cho là Giao Châu quá rộng nên cắt 3 quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm lập ra Quảng Châu, trị sở ở Phiên Ngung. Chỉ lấy 4 quận Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân và Hợp Phố làm Giao Châu, đặt trị sở tại Long Biên. Châu Giao, Châu Quảng chia đôi từ đó.

Nhà Tấn bình được nhà Ngô đặt ra Giao Châu thống trị 7 quận, 5 huyện trong đó có Hợp Phố, Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam.

Nhà Đường lên làm vua nước Tàu, đổi Giao Châu đặt ra An Nam Đô Hộ Phủ. Tên An Nam có từ đó, gồm 17 châu, phủ. Trong các châu phủ này không còn có tên Hợp Phố nữa. Như thế Hợp Phố đã bị nhà Đường chiếm mất, đem sáp nhập vào Quảng Châu (Quảng Đông) đổi ra làm hai châu là Châu Khâm và Châu Liêm.

Khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán (938) khôi phục nền tự chủ thì không đòi Hợp Phố lại được nữa. Biển Hợp Phố có nhiều ngọc trai. Chính vì mê ngọc trai này mà Tần Thủy Hoàng đã đánh chiếm Lĩnh Nam. Hợp Phố nổi tiếng với câu “Châu về Hợp Phố”.

Tự điển Lê Văn Đức cắt nghĩa câu Châu về Hợp Phố là “Của về chủ cũ” : Dưới thời Bắc thuộc, quan Tàu bắt dân Nam mò hột châu ở Hợp Phố (lúc đó còn thuộc về đất Nam); bị hà khắc khổ sở, dân trốn đi nơi khác cả. Quan Tàu bắt lớp dân khác tới mò thì không có châu. Sau thái thú Mạnh Thường bỏ lệ ấy, người xứ đó trở về, thì châu cũng có lại và nhiều hơn trước.

Truyện Mỵ Châu Trọng Thủy có liên quan đến ngọc trai Hợp Phố. Truyện kể Mỵ Châu nghe lời ngon ngọt của Trọng Thủy đem nỏ thần ra để Trọng Thủy đánh tráo đồ giả vào. Triệu Đà đem quân qua đánh, An Dương Vương bị thua phải đem Mỵ Châu chạy ra biển Đông. Thần Kim Quy hiện ra bảo giặc ngồi đàng sau, nhìn lại chỉ thấy Mỵ Châu, An Dương vương chém Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự vận. Máu Mỵ Châu chảy xuống biển, trai uống vào mang ngọc trong mình. Trọng Thủy tìm Mỵ Châu không thấy nhảy xuống giếng tự vận. Những người mò ngọc trai đem rửa nước giếng Trọng Thủy thì ngọc sáng ngời lên. Giếng Trọng Thủy ngày nay vẫn còn ở đền thờ An Dương Vương, làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.

THỜI TỰ CHỦ

Từ khi dành được tự chủ, qua các đời Ngô, Đinh, Lê thì vấn đề biên giới không thấy đề cập đến, có lẽ các vua ta thời đó đặt nặng việc củng cố quyền hành, ổn định đất nước trước khi nghĩ đến đòi đất. Từ nhà Lý về sau thì có nhiều tranh chấp về biên giới.

Thời nhà Lý trị vì (1010), bên Tàu là nhà Tống, có Vương An Thạch làm tể tướng đưa ra nhiều cải cách để làm giàu và mạnh cho nhà Tống. Lúc đó, tại vùng biên giới giữa ta và nhà Tống đang có sự lôi kéo các tù trưởng lệ thuộc nhà Lý theo vế nhà Tống. Vương An Thạch quyết định đánh chiếm Giao Chỉ, một phần để nâng cao uy tín, một phần để mở mang về Nam lấy nguồn tài nguyên chống với Liêu, Hạ phương Bắc. Triều nhà Lý biết âm mưu đó quyết định ra tay đánh trước.

Lý Thường Kiệt chia quân làm hai đạo, một tiến đánh đường biển, một tiến đánh đường bộ. Đường biển do chính Lý Thường Kiệt cấm đầu tiến đánh hai châu Liêm và Khâm (Hợp Phố) rồi thẳng đường lên đánh Ung Châu. Đường bộ do tướng Tôn Đản cầm đầu tiến đánh thẳng vào Ung Châu. Hai đạo quân phối hợp vây Ung Châu (nay là Nam Ninh), vào ngày 18-1-1076, đến ngày 1-3-1076 thành Ung Châu bị hạ, tướng giữ thành là Tô Giàm tự sát, quân dân trong thành không chịu hàng bị quân Lý giết hết, tính ra có đến 70 ngàn người bị giết, bị bắt hơn 200 người đem về Đại Vịêt với nhiều của cải.

Nhà Tống bị quân ta tấn công nên giận hết sức, sai Triệu Tiết và Quách Quỳ đem tám vạn quân phối hợp với Chiêm Thành, Chân Lạp tấn đánh nước ta. Lý Thường Kiệt đem quân chận ở sông Như Nguyệt (Bắc ninh). Quân Chiêm Thành và Chân Lạp cũng bị chận đứng ở phía nam nên không giúp gì được cho quân Tống.

Để nâng cao tinh thần chiến đấu cho quân sĩ, Lý Thường Kiệt đã áp dụng thuật tâm lý chiến, cho người vào đền Trương Hát bên sông thét ra bài thơ được coi như bản tuyên ngôn Độc Lập (bảo rằng do thần cho) :

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Đại ý rằng : Đất nước của người Nam phải do người Nam (vua nuớc Nam) cai trị. Điều đó đã do ý trời định. Kẻ nghịch dám xâm phạm đất ta, chỉ là mua lấy thảm bại mà thôi.)

“Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức lòng đánh giặc, quân nhà Tống không tiến lên được. Hai bên cứ chống giữ nhau mãi. Lý triều sợ đánh lâu không lợi, bèn sai sứ sang Tống xin hõan binh. Vua Tống thấy quân mình không tiến lên được, mà lại đóng ở chỗ chướng địa, quân sĩ trước sang hơn 8 vạn, sau chết quá nửa, cho nên cũng thuận hõan binh lui về.” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược)

Lê Quý Đôn dẫn sách Nhị Trình Di Thư của Trình Di viết về chiến sự Tống Việt có đọan như sau : “…Quân (Tống) kéo vào đất giặc sâu qúa, dùng bè chở 500 quân sang sông, vừa đẵn tre, vừa đốt phá trại rào bằng tre, mà mấy lần không được, lại chở bè không về, đem viện binh sang, thì lại bị giặc hợp binh bắt giết. Quân ta không có quân cứu, hoặc chết hoặc trốn, nên không thành công. Chỉ tranh nhau có 50 dặm đất mà sau lại muốn đem quân sang đánh, nhưng thuyền không có mà qua sông, lương cũng không đủ để đóng giữ. Tính toán sai lầm chưa hề thấy có. May được bên địch nói nhũn, bèn vịn vào đó mà giảng hòa. Giả thử, đối phương bướng bỉnh, thì không biết xử sự làm sao ? Về trận này, quân chở lương chết mất 8 vạn, quân chiến đấu ngã nước chết mất 11 vạn. Còn sống sót trở về là 28.000 người, nhưng phần nhiều đều bị ốm đau cả. Lại còn, trước kia bị giặc giết mất mấy vạn. Tính ra , tất cả không kém 30 vạn người. Sao ngu dốt mưu cơ đến thế !” (Lê Quý Đôn, Vân Đài Lọai Ngữ) 

Rút quân về, nhà Tống cho quân chiếm đóng mấy châu của ta, đó là : Châu Quảng Nguyên, (nay là Quảng Uyên, Cao Bắng), châu Tư Lang ( tức châu Thượng Lang và Hạ Lang, Cao Bằng), châu Tô Mậu (giữa hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) và huyện Quảng Lang (tức Ôn Châu thuộc Lạng Sơn).

Năm 1078 (Mậu Ngọ) vua Lý Nhân Tông cho sứ thần là Đào Tôn Nguyên đem 5 con voi sang nhà Tống đòi lại những châu thuộc Cao Bằng về cho Đại Việt. Tống rút quân rồi thì người Tàu tiếc của vì châu Quảng Nguyên có mỏ vàng nên có câu thơ :

Nhân tham giao Chỉ tượng

Khước thất Quảng Nguyên kim.

Năm 1084, Triều Lý lại cho Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh sang đòi nhà Tống trả nốt mấy châu còn lại. Trong cuộc tranh luận giữa sứ thần Lê Văn Thịnh và nhà Tống, sử Tàu còn ghi lại lý luận của Lê Văn Thịnh : “ Nơi nào quân thiên triều chiếm đóng trong cuộc chiến thì nay mới trả lại. Còn những nơi các tù trưởng tự ý dâng nạp cho Tống thì không liên quan gì đến việc tranh chấp mà phải bàn tới.” Chánh sứ Lê Văn Thịnh đã trả lời một câu sắc sảo làm nhà Tống phải cứng họng : “Đất có chủ. Bọn tù trưởng coi cho chủ, đem đất đi dâng cho người khác là bọn ăn trộm. Sao thiên triều lại giữ đất ăn trộm để làm nhơ sổ sách của nhà vua ?”

Thế là Đại Việt đã đòi lại được hết các châu huyện bị quân Tống chiếm giữ. Đó là thắng lợi ngọai giao có sự hậu thuẫn của binh hùng tướng mạnh. Ngoài ra các vùng Hải Ninh, Móng Cáy đến Khâm Châu, đến Ôn Châu, đến Ung Châu hai bên Lý Tống cùng kiểm sóat. Địa thế Việt Nam hồi đó như ôm đất Ung Châu vì biên giới chưa phân định rõ rệt nên hay có cuộc rắc rối giữa hai nước.

Như ta biết đất Hợp Phố của Văn Lang mất do việc nhà Đường cắt để nhập vào đất Quảng Châu thành lập 2 châu Khâm và Liêm. Theo truyền thuyết dân gian thì nơi ranh giới giữa nước ta và Tàu là nơi có đồi cỏ “Phân Mao Cỏ Rẽ”, nơi đó có cột đồng do Mã Viện cướp trống đồng của ta đúc ra, cắm làm biên giới với câu thề “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” (Cột đồng mà gãy thì Giao Chỉ bị diệt). Thế mà nay đồi cỏ rẽ, cột đồng đều nằm cả nơi đất Tàu !

Theo sách “Ðại Thanh Nhất Thống Chí” thì : “Ðèo Phân Mao ở động Cổ Sâm, cách Khâm Châu 3 dặm ở phía tây”. Sách “Ðại Nam Nhất Thống Chí” viết : “Mã Viện nhà Hán lập cột đồng ở dưới, chia địa giới với nước ta, đỉnh núi có sân cỏ tranh, ngọn cỏ chia hướng về nam và bắc, đến nay vẫn thế. Bản đồ năm Hồng Ðức thứ 21 gọi là xứ Yên Bang. Năm Nguyên Hòa thứ 8, nhà Mạc lại đem 4 động Tư Lẫm thuộc châu Tĩnh Yên nộp về nước Minh : “Xin nộp các động Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, Yên Lãng, La Phù thuộc châu Tĩnh Yên ở trấn Yên Quang nguyên thuộc về Châu Khâm”.

Như thế tuy Hợp Phố đã mất về Tàu, nhưng vẫn lấy đồi Phân Mao thuộc động Cổ Sâm chỉ cách Châu Khâm có 3 dặm làm ranh giới. Ðáng lý đất Việt Nam còn rộng thêm hàng trăm cây số nhưng Mạc Ðăng Dung vì lo củng cố ngai vàng mà dâng cho nhà Minh một vùng rộng lớn, để ranh giới lùi mãi xuống Móng cáy ngày nay.

Ðời nhà Hồ, cũng bị mất một số đất cho nhà Minh. “Nhà Minh yêu cầu lấy đất Lộc Châu thuộc Lạng Sơn. Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ, lấy 59 thôn Cổ Lâu trả về cho Minh, (Thổ quan Quảng Tây Hoàng Quảng Thành bảo rằng : “Lộc châu là đất cũ của phủ Tư Minh”), Quý Ly thấy số đất trả lại nhiều quá; phàm thổ quan do Minh bổ đến thì mật sai ở đấy đánh thuốc độc giết đi.” (Ngô Thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án)

Vùng đất địa đầu Lạng Sơn này có nhiều tranh chấp từ các triều trước. Sử nhà Minh nói : “Cuối đời Nguyên loạn lạc, người Giao Chỉ đem quân đánh phà trại Vĩnh Bình, bèn vượt qua Ðồng trụ hơn 200 dặm lấn cướp 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên và Thoát thuộc phủ Tư Minh, mà người Giao Chỉ nói là thuộc địa giới Ðồng trụ, rồi lập trạm ở đấy, xin sắc cho An Nam trả lại đất cũ để cho cương vực được chính xác. Minh Thái Tổ sai hành nhân là Trần Thành và Lữ Nhượng sang bàn luận qua lại mãi không quyết, việc bèn thôi.” (Ðại Nam Nhất Thống Chí)

Nhà Minh tranh với nhà Lê không được, nhân Hồ Quý Ly thoán đoạt nên lợi dụng cơ hội bắt phải nhuợng đất.

Vùng biên giới phía bắc giáp Tàu này, nước Việt Nam sẽ còn bị mất thêm đất vào thời Pháp thuộc khi Pháp-Thanh phân định biên giới cũng như Việt cộng noi gương Hồ Quý Ly, Mạc Dăng Dung dâng đất cho Trung cộng để củng cố chế độ.

Vùng Tây Bắc, ranh giới giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam nước Tàu cũng có nhiều tranh chấp.

Ðến cuối đời nhà Mạc, ông vua cuối cùng này lại dâng đất cho Tàu. Nguyên Mạc Kính Khoan ra hàng nhà Lê (Chúa Trịnh), được phong tước Thái Úy Thông Quận Công và cho giữ đất Cao Bằng. Nhưng con là Mạc Kính Hoàn không chịu cống bị Chúa Trịnh Tạc đem quân đánh phải chạy qua Tàu nương nhờ Ngô Tam Quế và dâng 3 động Ngưu Dương, Hồ Ðiệp và Phổ Viên. Khi nhà Thanh đánh Ngô Tam Quế bắt được Hoàn đem giao nhà Lê và trả lại 3 động. ( Khang Hy thứ 28, năm 1689). Nhưng sau đó thổ mục là Vi Phúc Liêm nhận của đút lót của nhà Thanh mà đem đất 3 động ấy lệ thuộc vào nước Tàu. Ðến đời Lê Bảo Thái,ta đòi quá, người Tàu sợ có chiến tranh giữa hai nước nên mới trả lại mỏ đồng Tụ Long, lấy sông Ðỗ Chú làm ranh giới. Cuộc tranh chấp còn gay go, ta sẽ trở lại khi nói về việc phân định biên giới thời Pháp thuộc.

Vùng biên giới giữa ta và Tàu phần nhiều là các dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng, Dao, Mèo, Mán…cư ngụ, Các tù trưởng, thổ mục (phụ đạo, phú tạo, Lang đạo) của các dân tộc này tùy theo các yếu tố ngoại tại chi phối mà lúc thì thần phục triều đình Việt Nam lúc lại thần phục nước Tàu. Vì thế mà nhiều vùng đất đang do Tàu kiểm soát lại trở lại thuộc về ta và trái lại. Tỉnh Hưng Hóa thời đó rất rộng bao gồm suốt dải đất Tây Bắc giáp ranh với tỉnh Vân Nam nước Tàu và phấn nhiều do người thiểu số cư ngụ. Tỉnh này có phủ An Tây giáp với Vân Nam bao gồm 10 châu : Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ, Khiêm, Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Luân Châu. Vùng đất này xẩy ra nhiều tranh chấp giữa ta và Tàu.

Ðời Lê Cảnh Hưng (1740-1788) tù trưởng Hoàng Công Thư (tức Chất) chiếm cứ động Mãnh Thiên, nhà Lê bình định được động Mãnh Thiên, con Công Thư là Công Toản chạy sang nương náu ở Vân Nam đem 6 châu là Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm lệ thuộc vào nhà Thanh, đặt làm động Lục Mãnh. Nhà Lê đòi nhà Thanh trả lại rồi nhà Tây Sơn lên cũng đòi trả lại, nhưng đều bị nhà Thanh từ khước không chịu trả lại. Lúc Gia Long lên ngôi Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dâng sớ lên Gia Long đòi 6 châu đã mất : “Vua lấy cớ là lúc bắt đầu khai sáng, chưa vội lo nghĩ đến việc phương xa, việc này bèn bỏ đấy. Vì thế 6 châu bị mất về nước Thanh, không thể khôi phục được” (Ðại Nam Nhất Thống Chí) Thời Pháp thuộc, khi phân định biên giới, người Pháp cũng bỏ qua việc đòi lại 6 châu này. Thế là ta mất thật sự 6 châu đó.

Phủ An Tây, sau này là tỉnh Lai Châu, chỉ còn có 4 châu là Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Luân Châu (Luân Châu sau sáp nhập vào châu Ðiện Biên Phủ). Bốn châu còn lại làm thành tỉnh Lai Châu. Sáu châu mất đi, nếu còn lại sẽ làm thành một tỉnh khác nữa. Thế là ta mất toi một tỉnh cho Tàu !

Biên cương lãnh thổ nước Văn Lang rồi Âu Lạc không hẳn là như ngày nay. Không nói đến lãnh thổ thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân hay thời Hùng Vương thứ nhất mà chỉ nói đến nước Văn Lang thu hẹp dưới thời các Hùng Vương cuối cùng và nước Âu Lạc của An Dương Vương, sau khi bị Triệu Ðà sáp nhập vào Nam Việt, rồi dưới thời Bắc thuộc thì đã bị cắt xén mất nhiều phần cho nước Tàu.

Ông Ðào Duy Anh xác định về biên giới nước Âu Lạc : “Chúng ta có thể căn cứ vào phạm vi của các quận Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán mà nhận định phạm vi của nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc đại khái là tương đương với miền Bắc nước ta hiện nay và khi nghiên cứu về phạm vi quận Giao Chỉ, chúng ta sẽ thấy quận Giao Chỉ lấn sang một phần đất tỉnh Quảng Tây đến phía nam sông Tả Giang, như thế phía bắc nước Âu Lạc cũng phải lấn vào miền nam tỉnh Quảng Tây ngày nay.” (Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương)

Biên giới Việt Nam được bộ Hồng Ðức bản đồ thực hiện dưới triều vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) ghi : “An Nam đồ thuyết: An Nam chi địa, Tây khóa Ai Lao, Ðông chí Hải tận, Bắc du Lưỡng Quảng, Nam khống Chiêm Thành.” (Những gì ghi trên bản đồ An Nam : Ðất đai An Nam, phía Tây bước ngang Ai Lao, phía Ðông chạm đến tận Biển, phía Bắc vượt quá hai xứ Quảng, phía Nam kìm chế Chiêm Thành)

Biên giới bốn phía được xác định bằng các động từ : “khóa Ai Lao”, “Hải tận”, “Khống Chiêm Thành”, “Du Lưỡng Quảng”. Du Lưỡng Quảng, có nghĩa là biên giới phía Bắc của nước ta vượt qua khỏi Quảng Ðông, Quảng Tây, tức là lên đến Ngũ Lĩnh, đến tận Hồ Ðộng Ðình.

Đông Biên
Bản gốc

  • Admin
    Member for: 3 years 4 months 3 days
    #1 by binhlq Sunday, August 8, 2021 2:26:30 PM

    Một giả thuyết về Nhà nước Văn Lang

    image004

    Hà Văn Thùy

    Trong khi tìm lại cội nguồn, chúng tôi gặp vấn đề khó khăn nhất, bí ẩn nhất là nhà nước Văn Lang. Thư tịch Trung Hoa, kho tàng vô giá giúp tìm lại quá khứ không ghi chép dù chỉ một lần. Chúng ta chỉ gặp ở truyền thuyết rồi từ truyền thuyết được ghi thành văn bản muộn mằn về sau trong các sách đậm màu huyền thoại: Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh… Đã có thời theo chủ thuyết duy vật lịch sử, chúng ta không tin vào truyền thuyết. Nhưng rồi sự thật cho thấy, có những việc của truyền thuyết lại thật hơn nhiều trang sử. Truyền thuyết nói với ta rằng, “Hùng Vương lên ngôi, đặt tên nước là Văn Lang…” Ta hiểu đó là nhà nước xuất hiện trước khi dân tộc bước vào thời có sử, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc. Nếu không hiểu thấu đáo về thời kỳ này, mọi cuốn sử trở nên thiếu cơ sở. Để chứng minh Văn Lang có thật, các nhà chép sử Việt Nam hiện đại đã dựa vào sách Đại Việt sử lược của tác giả khuyết danh, dựng lên nhà nước Văn Lang được thành lập 700 năm TCN tại đồng bằng Bắc Bộ. Một Văn Lang như thế đã vào chính sử, hiện lên sách giáo khoa và trong tin tưởng của nhiều thế hệ người Việt. Nhưng rồi khi tình cờ khảo sát địa chất thủy văn đồng bằng sông Hồng, chúng tôi bỗng phát hiện chuyện động trời: 700 năm TCN, đồng bằng sông Hồng còn chìm trong nước biển của vịnh Hà Nội. Chỉ tới 300 năm TCN, khi nước biển rút, phần quan trọng nhất của đồng bằng mới hiện ra để người dân tới khai thác (1).  Những địa danh như Văn Lang, Giao Chỉ…  mới hình thành từ đầu Công nguyên. Làm sao mà có một nhà nước ở nơi như vậy? Nhưng truyền thuyết, tâm linh dân tộc luôn hướng về nhà nước buổi ban đầu… 

    Chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết về nhà nước Văn Lang.

    40.000 năm trước, đang trong Kỷ Băng Hà, nhưng lúc này phía Bắc bớt lạnh. Người từ Việt Nam đi lên Quảng Đông. Tiếp tục săn bắn hái lượm trên băng giá nhưng người Việt cũng trồng nhiều loại rau, củ, quả theo phương thức bán thuần hóa. Nhờ đó nguồn thức ăn được cung cấp nhiều thêm, đời sống được cải thiện và nhân số gia tăng. Người Việt lan tỏa ra khắp Hoa lục. Khoảng 20.000 năm trước, tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, cách biên giới Việt Nam hôm nay hơn trăm cây số, người Việt chế ra đồ gốm đầu tiên, bước vào giai đoạn ăn chín uống sôi. Trong số thực vật hoang dại được dùng làm thức ăn, ngày càng nhiều thêm hạt của loài lúa hoang Oryza nivara. Cùng với thu hoạch hạt lúa tự nhiên, con người tiến hành thuần hóa lúa. 12.400 năm trước, tại đây, cây lúa trồng Oryza sativa ra đời. Có được cây lúa trồng với năng suất cao và chất lượng tốt hơn là bước tiến quan trọng của canh tác nông nghiệp. Cùng với cây kê và giống gà, giống chó được thuần hóa từ trước, người Việt đưa nông nghiệp lên lưu vực Dương Tử và Hoàng Hà. 9000 năm trước văn hóa nông nghiệp Giả Hồ, Hà Nam được xây dựng. Cùng với dụng cụ đá mài bóng tinh xảo, người Việt chế tác đồ gốm đen trình độ nghệ thuật cao, mỏng như vỏ trứng. Lượng lúa dư thừa, rượu gạo được nấu, đem ngâm với táo gai và mật ong thành rượu vang. Nghề nuôi tằm xuất hiện. Khai quật ngôi mộ 8500 năm trước, các nhà khảo cổ tìm được protein tơ tằm cho thấy lụa được dùng cho may mặc. Phát hiện những chiếc sáo bốn lỗ, sáu lỗ và tám lỗ làm bằng xương chim hạc, có chiếc đến nay còn thổi được, cho thấy hoạt động âm nhạc của người xưa. Cũng lần đầu tiên tại đây tìm thấy những chữ tượng hình như chữ Nhật, chữ Mục, chữ Bát, số 20… khắc trên xương thú hay yếm rùa. Văn hóa Giả Hồ là văn hóa tiêu biểu sớm nhất của người Việt. 7000 năm trước xuất hiện di chỉ văn hóa nông nghiệp lớn Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Dương Tử. Cũng 7000 năm trước ra đời văn hóa nông nghiệp trồng kê Ngưỡng Thiều ở miền Trung Hoàng Hà. Đây là di chỉ văn hóa lớn, đồ đá, đồ gốm tinh xảo. Ở phía Đông Nam trồng lúa, phía Tây Bắc do khí hậu khô của vùng cận sa mạc nên kê là cây trồng chủ lực với những nhà kho chứa hạt kê trong những chum vại lớn. Đặc biệt tại di chỉ Bán Pha (Bonfo) tỉnh Sơn Tây, tìm thấy nghĩa trang với di cốt người Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) rất gần với người Trung Quốc hiện đại. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là tổ tiên của người Hán.

    Một câu hỏi: người ngưỡng Thiều từ đâu ra? Học giả Zhou Jixu, sau khi khảo cứu dân cư gần gũi quanh vùng, cho rằng đó chỉ có thể là người từ phương Nam lên. (2) Nhưng trong sách Nhân chủng học Đông Nam Á, nhà nhân học hàng đầu của Việt Nam Nguyễn Đình Khoa khẳng định: suốt trong thời kỳ đồ đá, Nam Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ duy nhất chủng Australoid mà không có người Mongoloid. (3) Do vậy không thể có người Mongoloid từ phương Nam lên. Từ khảo cứu của mình, chúng tôi nhận định: người Mongoloid phương Nam Ngưỡng Thiều chỉ có thể là sản phẩm lai giữa người Việt chủng Australoid sống ở bờ Nam và người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống trên bờ Bắc Hoàng Hà. Do người mẹ Việt sinh ra tại Nam Hoàng Hà, bú sữa mẹ Việt, nói tiếng Việt và sống trong văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam là người Việt, sau này được nhân học đặt tên là người Việt hiện đại. Người Việt trên lưu vực Hoàng Hà nhanh chóng chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam.

    Thời kỳ này người Việt đã trưởng thành về văn hóa: chế tác đồ đá, đồ gốm tinh xảo, nông nghiệp trình độ cao. Khai quật khu mộ 6500 năm trước tại dốc Tây Thủy trấn Bộc Dương Hà Nam mà nhiều khả năng là mộ Phục Hy, cho thấy những dấu hiệu trưởng thành của dịch lý. Dựa theo truyền thuyết, ta có thể tin, vị tổ đầu tiên có tên tuổi của tộc Việt ra đời cùng với tổ mẫu Nữ Oa.

    Trong những văn hóa khảo cổ trên đất Trung Quốc, văn hóa Lương Chử có ý nghĩa đặc biệt. Đây là vùng đất thấp cửa sông Dương Tử, rất thuận lợi cho việc đánh cá, chăn nuôi gia súc và trồng lúa nên nhiều nhân tài vật lực khắp nơi dồn về, trở thành trung tâm kinh tế văn hóa phát triển cao nhất của phương Đông thời cổ.

    Khoảng 3300 năm TCN, nơi đây trở thành kinh đô của nhà nước rộng lớn: phía Bắc giáp sông Hoàng Hà,  phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Ba Thục-Tây Tạng, phía Nam vươn đến miền Trung Việt Nam. Nhà nước này do Thần Nông, vị vua thần và cũng là tổ của người Việt xây dựng. Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu của Thần Nông truyền ngôi cho Đế Nghi. Đế Nghi sinh ra hai con là Đế Lai và Lộc Tục. Đế Nghi cho con cả là Đế Lai cai quản vùng đất thuộc lưu vực Hoàng Hà, từ Sơn Đông đến Thiểm Tây. Năm 2879 TCN Lộc Tục cai quản giang sơn phía Nam, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân. Lạc Long quân truyền ngôi cho con là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi, đặt tên nước là Văn Lang. Việc phát hiện hầm ngọc Lương Chử ở Uông Bí Việt Nam chứng tỏ nhà nước Xích Quỷ là có thực và Việt Nam thuộc về nhà nước Xích Quỷ. Thời gian này lục địa Đông Á có ba trung tâm kinh tế văn hóa là vương quốc của Đế Lai ở lưu vực Hoàng Hà, nhà nước của Kinh Dương Vương thuộc lưu vực Dương Tử và nhà nước của Tàm Tùng ở vùng Ba Thục. (4)

    Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do Hiên Viên dẫn đầu đánh vào Trác Lộc, chiếm miền Trung Hoàng Hà của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Đế Du Võng (con Đế Lai) tử trận, nhà nước của Đế Lai tan rã. Một phần bị Hoàng đế chiếm, phần còn lại chia thành các tiểu quốc hay bộ tộc tiếp tục kháng chiến lâu dài. Do chiến tranh, một bộ phận người Việt di cư xuống Nam Dương Tử. Thời gian này, lo củng cố và mở rộng lãnh thổ chiếm được trên lưu vực Hoàng Hà nên Hoàng Đế chưa dám ngòm ngó phương Nam. Nhà nước Xích Quỷ chi viện cho đồng bào phía Bắc kháng chiến.

    Khảo cổ học phát hiện, năm 2300 TCN do nước biển dâng, kinh đô Lương Chử và phần đất phía biển bị nhấn chìm. Các nhà khảo cổ cho rằng nhà nước Lương Chử tan rã. Nhưng đó là nhận định không thực tế. Bởi lẽ, một nhà nước có trình độ phát triển cao, với diện tích rộng, dân đông, giầu có không lẽ gì chỉ vì mất kinh đô mà sụp đổ? Trong thực tế lịch sử, việc dời đô là điều bình thường của các quốc gia. Sự việc có thể xảy ra như sau. Nước biển dâng lên từ từ nên vương triều cùng người dân sẽ chủ động dời đô. Khảo cổ chỉ phát hiện vật quý trong các mộ táng chứng tỏ đã có một cuộc di tản thành công. Trong vương quốc Xích Quỷ cố nhiên không chỉ có duy nhất đô thị Lương Chử mà phải có nhiều thành phố khác. Hùng Vương (Không ai biết là thứ bao nhiêu) và triều đình phải chọn một địa điểm thích hợp nhất.

     Lúc này nhà nước Hoàng Đế ở phía Bắc chuyển sang thời Đào Đường dưới sự cai trị của Đế Nghiêu. Qua năm đời vua từ Hoàng Đế, Chuyên Húc, Thiếu Hạo, Đế Khốc đến Đế Nghiêu, phía Bắc theo phong tục Mông Cổ đã khác phía Nam. Người phía Bắc xem dân phía Nam là ngoại nhân, ngoại tộc, là Nam Man với ý coi thường. Thấy dân phía Nam mặc váy nên gọi là người Việt Thường (越裳)hay Việt Thường thị. Văn Lang cử sứ giả tới thăm Đào Đường và biếu rùa thần. Việc này được ghi trong sử nhưng do quen với danh xưng Việt Thường nên sách ghi Việt Thường thị mà không ghi quốc danh Văn Lang. Sách Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống (1127-1279) viết: “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.” Cuốn Thượng Thư đại truyện được viết đầu thời Hán chép: “Năm Tân Mão đời Chu Thành Vương (1063 – 1026 TCN) có Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ đến kinh đô nhà Chu giao hảo, tặng chim bạch Trĩ.”

    Đó là hai đoạn văn hiếm hoi xác nhận là có họ (hay nước) Việt Thường xuất hiện từ thời vua Nghiêu (2300 năm TCN) tới thời Chu (1063 năm TCN). Hậu Hán thư cho biết: “Sau khi triều Chu suy yếu, nước Việt Thường đã dần dần đoạn tuyệt việc qua lại,” ta hiểu vì sao Việt Thường không còn được ghi trong sách sử. Công việc bây giờ là phải giải mã những thông tin này.

    Để hiểu được Việt Thường thị thì trước hết phải xác định được vị trí của nhà nước này. Dựa theo sách Thượng thư đại truyện: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường,” sách Cựu Đường thư thời Hậu Tấn (thế kỷ thứ X) cho rằng Việt Thường là ở miền quận Cửu Đức, tức là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào. Sách Văn hiến thông khảo thời Nguyên (thế kỷ thứ XIV) lại chú rõ thêm rằng nước Việt Thường xưa, tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành. Chính những sách này dẫn hậu thế lạc đường.

    Thừa nhận việc Việt Thường thị cống rùa và chim trĩ cho triều đình Trung Quốc là có thể tin được nhưng chúng tôi cho rằng, Việt Thường thị không thể ở miền Trung Việt Nam vì những lẽ sau:

    Các tài liệu nói tới địa danh Giao Chỉ thời Đào Đường (2300 năm TCN) rồi thời Chu (1063 năm TCN) cho thấy, địa danh Giao Chỉ lúc đó đã có rồi. Trong khi địa danh Giao Chỉ ở Việt Nam chỉ xuất hiện, vào đời Hán Vũ Đế, năm 111 TCN, sau hơn 2000 năm. Điều này cho thấy: Giao Chỉ thời Đào Đường và thời Chu hoàn toàn không phải là Giao Chỉ ở Việt Nam! Vì không có Giao Chỉ trên đất Việt thời Nghiêu, thời Chu nên cũng không thể có Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ.

    “Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm nói về vùng đất phía nam vương quốc của Đường Nghiêu – Ngu Thuấn. Giao Chỉ đầu thời Chu chính là đất Sở (Hồ Bắc, Trung Quốc). Giao Chỉ cũng còn gọi là Cơ Chỉ hoặc Cơ Sở, nó hàm nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Giao Chỉ nửa cuối thời Chiến Quốc ở phía nam nước Sở. Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, thời Tây Hán là Bắc Bộ Việt Nam. Chỉ đến thời Đông Hán, Giao Chỉ mới biến thành địa danh cố định và xác thực trên địa đồ, đóng khung bởi kiến thức thiên văn Tần – Hán.” (5)

    Vậy là, ban đầu, Nam Giao chẳng phải địa danh cụ thể mà chỉ là “cái cột mốc di dộng” đánh dấu biên địa phương Nam của nhà nước Hoàng Đế, được chuyển dịch ngày càng xa theo đà bành trướng. Chỉ tới thời Đông Hán, khi không còn khả năng bành trướng nữa, “cột mốc”mới được đóng xuống Bắc Bộ Việt Nam thành địa danh cố định Giao Chỉ. Học giả thời Tấn, thời Nguyên sinh sau đẻ muộn, không thể tìm được Việt Thường, Giao Chỉ trên đất Tàu, mà cũng chẳng biết lai lịch cái tên Giao Chỉ, bèn đoán mò, viết đại rằng “Việt Thường là Lâm Ấp”! Phân tích trên xác nhận Việt Thường thị chỉ có ở Nam Dương Tử. Câu hỏi tại sao miền Trung Việt Nam vào thời Hán lại có huyện Việt Thường, có thể giải thích như sau. Sau khi Văn Lang bị diệt, dân cư văn Lang cũ di cư về Việt Nam, có những nhóm người đến miền Trung. Những người này lấy tên Việt Thường đặt cho nơi cư trú mới. Sau đó dân cư đông lên thành xã rồi thành huyện. Nhà Hán lấy tên đất Việt Thường làm tên huyện. Cũng do có huyện Việt Thường ở miền Trung mà nhiều người, trong đó có các học giả Trung Quốc cho rằng có Việt Thường thị ở miền Trung Việt Nam. Họ càng tin hơn vì có địa danh Giao Chỉ ở đồng bằng Bắc Bộ.

    Từ đó ta có thể suy đoán (vâng, suy đoán) rằng, kế tục Xích Quỷ, nhà nước Văn Lang vẫn hiện diện ở phía Nam Dương Tử. Từ năm 2300 TCN, kinh Đô Lương Chử bị chìm, Vua Hùng dời đô tới nơi nào đó trong nước. Chúng tôi đoán nhiều khả năng về vùng Hồ Động Đình. Sở dĩ chúng tôi có ý tưởng này vì trong truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ có nhắc tới Cánh Đồng Tương, sông Tiền Đường, hồ Động Đình (Lạc Long Quân gặp tiên ở Hồ Động Đình và câu hát ru: Gió Động Đình mẹ ru con ngủ/ Trăng Tiền Đường thức đủ năm canh/ Bổng bồng bông, bổng bồng bông/ Võng điều mẹ ẵm con rồng cháu tiên.) Nhưng xác định cụ thể nơi nào là điều không đơn giản. Tìm trên “Bản đồ di chỉ đá mới ở Nam Trung Quốc,” chúng tôi thấy có tới 48 vị trí được ghi số từ 1 tới 48. Chúng tôi chú ý tới năm vị trí, từ 16 tới 20, ở phía Tây và Nam Hồ. Nhưng cụ thể là đâu? Do tìm lại kinh đô cũ của Tổ tiên là việc thuộc về tâm linh, chúng tôi bèn hỏi con lắc cảm xạ. Con lắc chỉ vị trí số 19 là di chỉ Thành Đầu Sơn (6). Đó là di chỉ khảo cổ thuộc huyện Lý tỉnh Hồ Nam, vùng đất cao bên sông Dương Tử. Một thành phố lớn, có người ở từ 6500 năm trước và phát triển rực rỡ nhất khoảng 4300 năm cách nay, dân cư khoảng từ 30 đến 50.000 người, được học giả Trung Quốc nhận định là kinh đô của quốc gia. Kiểm tra tất cả địa điểm còn lại, con lắc không cho thấy vị trí nào khác, chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng các Vua Hùng đóng đô ở đây khoảng 1500 năm từ thời vua Nghiêu (2300 TCN) qua thời Thành Vương nhà Chu (1063 TCN) tới lúc thành phố bị bỏ hoang vào khoảng 800 năm TCN. Để chắc chắn hơn,  chúng tôi in một bản đồ, gửi đến nhà ngoại cảm bậc thầy. Ông dùng máy đo năng lượng cảm xạ dò tìm rồi trả lời: “Số 19 anh ạ!” Một điều kỳ diệu nữa là khi tôi dò tìm kinh đô cũ của nhà nước Xích Quỷ quanh vùng Thái Hồ thì tới vị trí số 10, con lắc quay thuận. Đối chiếu vào danh sách thì đó chính là Lương Chử! Phải chăng chính Tổ tiên linh thiêng đưa đường dẫn lối cho tôi?

    image006

    Thành Đầu Sơn kinh đô Văn Lang cổ

     Kinh đô Thành Đầu Sơn suy tàn vào khoảng 800 năm TCN, nguyên nhân có thể do biến động từ phía Bắc, Vua Hùng dời kinh đô về Việt Nam?

    Khảo cổ học cho thấy, khoảng năm 2100 TCN, nước biển rút, vùng Lương Chử khô ráo trở lại, dân các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp, làm nên văn hóa Mã Kiều. Theo sử thì vào thời gian này, ông Thiếu Khang hậu duệ của vua Vũ tới đây, cắt tóc vẽ mình theo tục người Việt, sống chan hòa với dân Việt, được tôn làm thủ lĩnh, lập ra tiểu quốc Việt. Vì ở xa Trung Nguyên, lại nhỏ bé nên không có tiếng tăm gì. Vào thời vua Câu Tiễn, đánh thắng nước Ngô, làm bá chủ Trung Nguyên, nước Việt tranh chấp ngày càng tăng với Văn Lang của Vua Hùng. Tiếp đó, nước Sở mạnh lên, uy hiếp không chỉ nước Việt mà cả Văn Lang. Trước tình thế nguy cấp, vua Hùng buộc phải di tản. Nhưng ngài đi về đâu? Khảo khắp các di chỉ đá mới ở Nam Trung Hoa, không thấy nơi nào, chúng tôi dựa theo Ngọc phả Hùng Vương viết “Đoàn người từ biển đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống (Sông Lam – Núi Hồng)…” Hỏi con lắc “Có đúng vậy không?” Con lắc quay thuận. Như vậy, khoảng 800 năm TCN, đoàn thuyền của Vua Hùng tới đóng đô ở vùng Núi Hồng Sông Lam. Từ đây, vua Hùng tiếp tục lãnh đạo nước Văn Lang gồm Việt Nam và Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Rồi nước Sở diệt nước Việt, thôn tính cả đất của Văn Lang vùng Lĩnh Nam. Tiếp đó là cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng. Vua Hùng Duệ vương lãnh đạo dân Lạc Việt liên kết với Thục Phán đánh quân Tần. Sau chiến thắng, Thục Phán chiếm ngôi của vua Hùng, lập nước Âu Lạc rồi dời đô về Cổ Loa. Là người gốc Việt thuộc bộ tộc Tần, tổ tiên di cư lên Trung Nguyên lập nước Triệu. Khi Triệu bị diệt, ở tuổi 20, Triệu Đà bị xung lính xuống đánh Lĩnh Nam, làm huyện lệnh Long Xuyên. Trên đất Văn Lang cũ ở Lĩnh Nam, Triệu Đà nhân nhà Tần sụp đổ, lập nước Nam Việt rồi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Cai trị Nam Việt, Triệu Đà vẫn theo tục cũ của người Việt nên được dân ủng hộ. Gần trăm năm Nam Việt, nhà Triệu đã củng cố quan hệ quốc gia vốn có từ lâu của dân cư Văn Lang dưới thời các vua Hùng. Khi bị người Hán xâm lăng, dân Văn Lang vẫn hướng về nước cũ.

    Năm 39, Hai Bà Trưng là hậu duệ của vua Hùng, có uy tín với dân Văn Lang cũ, đã liên lạc với những lạc hầu lạc tướng vùng Lĩnh Nam, phất cờ khởi nghĩa và được hưởng ứng tích cực. Trong 65 thành trì đi theo nghĩa quân thì phần nhiều trên đất Lĩnh Nam. Xin dẫn một tài liệu quý của Giáo sư Trần Đại Sỹ, “Về Thiên Đài nơi tế cáo của Đế Minh”(7):

    “Tại thư viện Hồ-nam tôi tìm được một tài liệu rất cũ, giấy hoen ố, nhưng chữ viết như phượng múa rồng bay, gồm 60 trang. Đầu đề ghi : Thiên-đài di sự lục.Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn. Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-Tông, từ năm Đinh-Hợi (627) đến Đinh-Mùi (647) nhưng không biết Chu đỗ tiến-sĩ năm nào ? Tuy sách do Chu Minh-Văn soạn, nhưng dường như bản nguyên thủy không còn. Bản này do người sau sao chép lại vào đời Thanh Khang-Hy. Nội dung sách có ba phần. Phần của Chu Minh-Văn soạn, phần chép tiếp theo Chu Minh-Văn, của một sư ni tên Đàm-Chi, không rõ chép vào bao giờ. Phần thứ ba chép pháp danh các vị trụ trì từ khi lập chùa tới thời Khang-Hy (1662-1772). Chu Minh-Văn là tiến sĩ đời Đường, nên văn của ông thuộc loại văn cổ rất súc tích, đầy những điển cố cùng thành ngữ lấy trong Tứ-thư, Ngũ-kinh cùng kinh Phật. Nhân viên quản thủ thư viện thấy tôi đọc dễ dàng, chỉ lướt qua là hiểu ngay, ông ta ngạc nhiên khâm phục vô cùng. Nhưng nếu ông ấy biết rằng, tôi chỉ được học loại văn đó vào hồi sáu, bảy tuổi thì ông sẽ hết phục. Tài liệu Chu Minh-Văn cũng nhắc lại việc Đế Minh đi tuần thú phương Nam, kết hôn với nàng tiên sinh ra Lộc-Tục. Vua lập đàn tại núi này để tế cáo trời đất, vì vậy đài cũng mang tên Thiên-đài, núi cũng mang tên Thiên-đài sơn, Minh-Văn còn kể thêm:  « Cổ thời trên đỉnh núi chỉ có Thiên-đài thờ vua Đế Minh, vua Kinh-Đương. Đến thời Đông-Hán, một tướng của vua Bà tên Đào Hiển-Hiệu được lệnh rút khỏi Trường-sa. Khi rút tới Quế-dương ông cùng nghìn quân lên Thiên-đài lễ, nghe người giữ đền kể sự tích xưa. Ông cùng quân sĩ nhất định tử chiến, khiến Lưu Long thiệt mấy vạn người mới chiếm được núi. Về đời Đường để xóa vết tích Việt-Hoa cùng Nam Bắc, các quan được sai sang đô hộ Lĩnh-Nam mới cho xây chùa tại đây ».

    Tôi biết vua Bà là vua Trưng, còn tướng Đào Hiển-Hiệu là em con chú của Bắc-bình vương Đào Kỳ. Ngài Đào Kỳ lĩnh chức Đại Tư-mã thời vua Trưng. Tướng Đào Hiển-Hiệu tước phong quốc công, giữ chức Hổ-nha đại tướng quân. Nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy trận rút lui khỏi Trường-sa, hồ Động-Đình, đã sai Hiển-Hiệu đi cản hậu, đóng nút chặn ở Thiên-đài, đợi quân Lĩnh-Nam rút hết, sẽ rút sau. Nhưng Hiển-Hiệu cùng chư quân lên núi thấy di tích thời Quốc-tổ, Quốc-mẫu, đã không chịu lui quân, tử chiến, khiến quân Hán chết không biết bao nhiêu mà kể tại đây. Ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối :

    Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,

    Thọ pháp Tây-thiên diễn Phật- kinh.

    Hai câu này ngụ ý ca tụng Thái-tử Tất-Đạt-Đa đang đêm ra khỏi thành đi tìm lẽ giải thoát sau đó đắc pháp ở Tây-thiên, đi giảng kinh.

    Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,

    Phật công hiển hách quốc thái dân an.

    Hai câu này là ngụ ý nói: Tam bảo linh thiêng, khiến cho mưa thuận, gió hòa đó là công lao của nhà Phật khiến quốc thái dân an.

    Nơi có dấu vết Thiên-đài còn đôi câu đối khắc vào đá :

    Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.

    Lĩnh địa niên niên dữ Việt-Thường.

    Nghĩa là : Từ sau vụ vua Minh tế cáo ở đây, đài thành Thiên-đài, biết bao đời phân ra Nam, Bắc. Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt-Thường. Chỗ miếu thờ của Đào Hiển-Hiệu có đôi câu đối :

    Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế,

    Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long.

    Nghĩa là :

    Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Động-đình làm kinh tâm vua Quang-Vũ nhà Hán. Ý chỉ nữ tướng Phật-Nguyệt đánh bại Mã Viện ở phía Nam hồ Động-đình. Một nghìn tay đao do Hiển-Hiệu thủ ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.

    Kết luận :

    « Như vậy việc vua Minh tế cáo trời đất là có thật. Vì có Thiên-đài nên thời Lĩnh-Nam mới có trận hồ Động-đình. Hai sự kiện đó chứng tỏ lãnh địa thời vua Trưng cũng như Văn-Lang xưa quả tới Ngũ-lĩnh, hồ Động-Đình ».

    Lời kể trong chuyến đi điền dã của học giả Trần Đại Sỹ cho ta thấy, tại tàn tích của Thiên Đài còn dòng chữ khắc trên đá: Lĩnh địa niên niên dữ Việt-Thường. Đài đá được xây thời Đế Minh. Nhưng dòng chữ  phải được khắc sau này vì là chữ có sau thời Xích Quỷ. Có thể đoán rằng vào thời Đường, người dân Việt vùng Lĩnh Nam đã khắc câu đối để tưởng nhớ Quốc Tổ và hướng về nước cũ. Điều này khẳng định người Việt Thường từ xa xưa là chủ của đất Lĩnh Nam. Dòng chữ cũng gián tiếp nói rằng, đất Lĩnh Nam thuộc về nước Văn Lang của các Vua Hùng. Tác giả Trần Đại Sỹ còn cho biết, tại Nam Trung Quốc có tới 200 ngôi đền thờ Vua Bà. Những chứng cứ vững chắc cho thấy Lĩnh Nam là đất xưa của nước Văn Lang.

    Vào đời Đường, Lý Triều Uy sáng tác tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳). Tóm tắt như sau: “Liễu Nghị là một nho sinh thi trượt, trên đường gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người phụ nữ ấy nói rằng mình là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Long Vương là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Sau Liễu Nghị lấy vợ, lần nào lấy xong vợ cũng chết. Con gái Long Vương thấy vậy bèn nhớ lại duyên cũ, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà lấy Liễu Nghị làm chồng. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.” Liễu Nghị truyện được coi là một truyện truyền kỳ sớm nhất của Trung Quốc. Từ cuối đời Đường, truyện đã được lưu hành rộng rãi trong dân gian. Dựa vào lời Ngô Sĩ Liên trong sách Toàn thư: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi,” một số học giả cho rằng, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện đã chép lại từ tiểu thuyết thời Đường rồi sau đó Ngô Sỹ Liên đưa vào sử.

    Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó là sự suy diễn theo cách nhìn thiếu chiều sâu lịch sử. Trong khi thực tế là, câu chuyện về Lạc Long Quân-Âu Cơ đã được tiến sĩ Chu Minh-Văn ghi lại trong Thiên-đài di sự lục vào năm Trinh Quán thời Đường Thái-Tông (627-647). Cũng theo thời gian, câu chuyện đã thành truyền thuyết trong dân gian người Việt, từ Nam Dương Tử tới Việt Nam. Từ câu chuyện dân gian, khi dành lại quyền tự chủ, người tại Việt Nam ghi thành truyện Hồng Bàng thị trong Lĩnh Nam chích quái rồi vào sử. Trong khi đó, vùng Hoa Nam đã thuộc về Trung Quốc, người dân dù nhớ nguồn cội cũng không thể ghi vào sử. Dựa vào câu chuyện tình, nhà nghệ sỹ viết thành tiểu thuyết. Do điều kiện lịch sử cụ thể, tiểu thuyết ra đời trước. Nhưng cho rằng người Việt chép lại tiểu thuyết Trung Hoa để tạo dựng nên nguồn cội của mình là cái nhìn chưa thấu đáo. Ngày nay với khám phá mới về tiền sử người Việt cùng với đoạn ghi chép của Chu Minh Văn, điều này càng trở nên rõ ràng.

    Trước đây đọc sử, không ít người thắc mắc là vì sao dân Vân Nam rất gần Việt Nam mà không tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong khi dân Lưỡng Quảng đi theo đông đảo? Nay có thể trả lời: dân Lưỡng Quảng cùng trong nước Văn Lang với Việt Nam còn Vân Nam thuộc về nhà nước Ba Thục vốn có sự phân cách từ xưa.

    Có một câu hỏi cần được trả lời: Việt Thường thị quan hệ thế nào với nhà nước Văn Lang? Ta biết, nhà nước đầu tiên của phương Đông là nhà nước của bộ lạc nên được gọi theo tộc danh mà chưa có quốc danh. Khi thấy sách cổ viết Bào Hy thị, Thần Nông thị thì mọi người hiểu là nhà nước của bộ lạc Phục Hy, Thần Nông. Chỉ tới Kinh Dương Vương, lúc này quốc gia đã lớn, bao gồm nhiều bộ lạc vì vậy lấy tên một bộ lạc làm tên quốc gia tỏ ra không ổn nên dùng tên Xích Quỷ làm tên nước chung cho mọi bộ lạc thành viên. Khi dời đô tới vùng hồ Động Đình, trong nội bộ, dân vẫn gọi nhà nước Văn Lang và Hồng Bàng thị. Nhưng chính trị phương Bắc vào thời Đào Đường đã ổn định, người Hoa Hạ nhìn xuống phía Nam, thấy sắc dân Việt chuyên mặc váy nên dùng tên Việt Thường để gọi. Rồi tộc danh này trở thành tên nước, ghi trong sách sử. Sau khi Văn Lang bị thôn tính, người dân Việt Thường cũ không nhớ được tên Văn Lang và Hồng Bàng thị mà chỉ biết tới Việt Thường được ghi trong sách sử nên nhận mình là người Việt Thường để rồi làm thành câu đối khắc lên Thiên Đài. Người khắc cũng biết rằng, tên Việt Thường (người Việt mặc váy) là tục danh mang tính kỳ thị, phải do ngoại nhân gọi, không thể do tổ tiên tự đặt. Tuy nhiên đó là tên duy nhất có trong sách sử nên không thể không dùng. Trong khi đó, tại Việt Nam, dân vẫn quen gọi quốc danh Văn Lang và Hồng Bàng thị. Chính vì hai danh xưng khác nhau nên phần đông dân Văn Lang không biết mình còn có tộc danh Việt Thường. Trong khi người Việt ở Nam Dương Tử không nhớ tổ tiên mình là Hồng Bàng thị với quốc hiệu Văn Lang. Tuy nhiên, do cùng sống trên một đất nước của các vua Hùng nên khi nhà tan, nước mất, những “dân ấp dân lân” đã cùng nổi dậy cứu nước. Rõ ràng, người xưa biết việc này và Ngô Sỹ Liên ghi vào sử “Nước Việt ta lần đầu tới thăm nhà Chu và tặng chim trĩ trắng” là chính xác. Việc Hoàng Đế Quang Trung đòi nhà Thanh trả hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây cũng cho thấy sự thật lịch sử này. Nhưng tác giả Đại Việt sử lược do không đủ thông tin nên chỉ công nhận Văn Lang theo ranh giới hiện có vì vậy cho rằng “700 năm TCN, lập nước Văn Lang với 15 bộ trên đất Bắc Việt Nam.” Đáng tiếc là các cán bộ chép sử ngày nay đã chép sai theo.

    Trên đây là suy đoán của chúng tôi về nước Văn Lang dựa trên tất cả thông tin có được cho đến hôm nay. Một con rồng bay trên mây đang mất hút về phía chân trời. Thợ vẽ bất tài là tôi ráng hết sức chỉ vẽ được đến vậy. Xin bạn đọc lượng thứ. Trước đây, trong bài Việt Thường thị ở đâu, Văn Lang ở đâu? Có viết Việt Thường cử sứ giả tới nhà Đào Đường là nước Việt tiền thân của Việt Vương Câu Tiễn. Nay chúng tôi thấy đó là sai lầm vì tiểu quốc của Thiếu Khang chỉ xuất hiện cuối đời nhà Hạ, khoảng năm 2100 TCN, xin được cải chính.

    Sài Gòn, 11.4.2020

    Phát Hiện Di Vật Văn Hóa Lương Chử Tại Việt Nam

    Tài liệu tham khảo.

    1. Hà Văn Thùy. Xóa bỏ huyền thoại “Nhà nước Văn Lang 2700 năm trước” https://nghiencuulichsu.com/2019/09/06/xoa-bo-huyen-thoai-nha-nuoc-van-lang-2700-nam/
    2. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175  December, 2006
    3. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCH, H, 1983
    4. Hà Văn Thùy. Nhà nước Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực. NXB Hội Nhà văn, H, 2017.
    5. 城头山古文化遗址 https://baike.baidu.com/item/%E5%9F%8E%E5%A4%B4%E5%B1%B1%E5%8F%A4%E6%96%87%E5%8C%96%E9%81%97%E5%9D%80/5087595?fromtitle=%E5%9F%8E%E5%A4%B4%E5%B1%B1&fromid=759871
    6. Trương Thái Du. Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam.http://123doc.org/document/1905966-mot-cach-tiep-can-nhung-van-de-co-su-viet-nam-truong-thai-du-pha-n-1-pdf.htm)
    7. Trần Đại Sĩ. Về Thiên-đài nơi tế cáo của Đế Minh. - http://www.vietnamvanhien.net/NuiNguLinh.pdf
Displaying 1 to 1 of 1 messages